Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, thời gian qua, huyện tập trung xây dựng mô hình bến đò an toàn, văn hóa. Từ năm 2011, Thủy Nguyên được Ban An toàn giao thông thành phố hỗ trợ xây dựng 3 mô hình bến đò an toàn trên sông Cấm: Bến đò Sáu Phiên (xã An Lư), đò Lở (xã Hoàng Động), đò Lâm (xã Lâm Động). Trên cơ sở các mô hình này, huyện chỉ đạo các địa phương có đò ngang xây dựng, quản lý bến đò theo hướng an toàn, văn hóa. Đến nay, 9/12 bến đò ngang trên địa bàn huyện có giấy phép hoạt động và cơ bản bảo đảm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng và các phòng chức năng khác của huyện phối hợp với chính quyền các xã thường xuyên và đột xuất kiểm tra các điều kiện bến đò, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, nhiều năm nay, trên địa bàn huyện không xảy ra tai nạn đường thủy tại các bến đò ngang.
Thực tế tại một số bến đò ngang trên địa bàn huyện cho thấy, công tác bảo đảm an toàn được chủ đò chú trọng. Tại bến đò Dinh (xã An Sơn), cách đây 4 năm, nhiều người qua bến đò không khỏi lo lắng, vì đò cũ, đông người qua lại, các phương tiện cứu sinh thiếu…Nhưng nỗi lo này không còn sau khi chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng vào cuộc vận động các chủ đò đầu tư củng cố bến đò. Ông Trương Văn Khởi – 1 trong 3 chủ đò tại bến đò Dinh cho biết, chính quyền địa phương yêu cầu các chủ đò ký cam kết bảo đảm an toàn và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đò ngang. Theo đó, ông và các chủ đò khác đều đăng ký hoạt động tại địa phương, có đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động (giấy phép, hợp đồng thuê bến ký với chính quyền các địa phương, bằng điều khiển phương tiện của lái chính, lái phụ…). Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn và phục vụ nhu cầu của người dân, chủ đò đầu tư xây dựng bến đò theo mô hình bến đò an toàn, văn hóa. Cụ thể, các chủ đò đầu tư mua đò mới, đầu tư bê tông hóa tuyến đường xuống bến; niêm yết cước phí đò đúng quy định, trang bị đầy đủ phao cứu sinh trên đò… Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy thường xuyên kiểm tra và tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy đến chủ đò và hành khách.
Để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong thời gian tới, huyện Thủy Nguyên đang rà soát, quy hoạch lại các bến đò ngang. Theo đó, trong số 12 bến đò, huyện đề xuất xóa bỏ 2 bến đò Màn ở xã Tam Hưng và thị trấn Minh Đức. Hai bến đò ngang này hiện hoạt động không phép. Các bến đò: Xí nghiệp Bạch Đằng (xã Lại Xuân), bến đò Một (xã Phù Ninh), bến đò Màn (xã Lập Lễ), bến đò Dinh (xã An Sơn) chỉ tạm thời duy trì đến khi các dự án xây cầu trên địa bàn được hoàn thành. Ngoài ra, một số bến đò khác như bến đò Lở (xã Hoàng Động) qua sông Cấm nối với quận Hồng Bàng cũng cần được đầu tư củng cố. Trong quá trình này, huyện mong thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp các bến đò và sự phối hợp của các ngành chức năng trong bảo đảm an toàn tại các bến đò ngang trên địa bàn.
Hà Minh – Ảnh: Hà Trung
Thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam…
Sáng 26/11, UBND quận Ngô Quyền tổ chức Hội nghị trao Quyết định giao đất…
Thuộc khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại khách sạn Pullman, Hiệp hội…
Thuộc chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại…
Sở Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông báo 780/TB-SGTVT về việc phân luồng…
UBND TP Hải Phòng đang xem xét huỷ bỏ việc xếp hạng đối với di…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More