Văn hóa

Huyện Kiến Thụy tổ chức Lễ kỷ niệm 496 năm ngày Thái Tổ Mạc Đăng Dung đăng quang

Sáng 28/7, UBND huyện Kiến Thụy trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 496 năm Ngày Thái Tổ Mạc Đăng Dung đăng quang (15/6 năm Đinh Hợi 1527-15/6 năm Quý Mão 2023).

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Lê Tiến Châu Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo Nhân dân, du khách.

Đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố làm Lễ dâng hương.

Lễ kỷ niệm là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực của người dân Kiến Thụy nói riêng và Nhân dân Hải Phòng nói chung, góp phần phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa; là dịp để tri ân và tôn vinh thân thế sự nghiệp, những đóng góp to lớn của Mạc Thái Tổ và Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc. Đồng thời quảng bá những giá trị di sản quý giá của Vương triều Mạc, phát huy những nét văn hóa độc đáo, những lễ hội tâm linh của vùng đất Dương Kinh xưa, Kiến Thụy ngày nay.

Đồng chí Đỗ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy đánh trống khai hội.

Dương Kinh xưa, Kiến Thụy ngày nay, vùng đất địa linh, với Đối Sơn soi mình xuống dòng Đa Độ xanh trong như ngọc, hiền hòa chảy ra biển lớn. Mảnh đất hội tụ khí thiêng sông núi, đã sinh ra nhiều người con ưu tú. Trong những con người ưu tú nhất của mảnh đất Dương Kinh xưa, Kiến Thụy, Hải Phòng nay, Mạc Đăng Dung được thời đại trao cho ngọn cờ hợp theo mệnh trời, lại thuận lòng dân, ngài đã khai sáng vương triều Mạc vào năm Đinh Hợi 1527.

Thái tổ Mạc Đăng Dung sinh ra tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thôn Đại Thắng, Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Thời trai trẻ ông là người có sức khỏe, võ nghệ đảm lược; ông đi thi trúng Đô lực sĩ xuất thân, được sung vào quân túc vệ. Hơn 20 năm, ông làm quan dưới 4 triều vua Lê: Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng lập nhiều công lớn, dẹp yên nhiều cuộc nổi loạn, được thăng đến tước Vũ xuyên Bá, Vũ xuyên Hầu, rồi nắm giữ Tiết chế các doanh thủy quân, lục quân của 13 đạo, đảm nhiệm quyền chỉ huy binh mã cả nước. Vào thời vua Cung Hoàng, nhà Lê phải xuống Chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung.

Đoàn Chèo Hải Phòng thực hiện hoạt cảnh chèo “Tái hiện Lễ Đăng quang của Thái tổ Mạc Đăng Dung, khai sáng Vương triều Mạc”.

Sau khi lên ngôi, ngoài việc củng cố, xây dựng, kiến thiết kinh thành Thăng Long, Mạc Đăng Dung đã hướng về quê hương, lập cung điện ở Cổ Trai và sau này là con trai Mạc Thái Tông đã cho xây dựng điện Hưng Quốc, điện Phúc Hưng, điện Tường Quang và nhiều công trình có quy mô lớn, Dương Kinh trở thành kinh đô thứ 2 của nhà Mạc ở vùng ven biển, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt.

Trong 65 năm nắm quyền của Nhà Mạc dù ở thế không ổn định, do bên trong phải chống đỡ với các thế lực phù Lê, diệt Mạc; bên ngoài thì các thế lực luôn nhòm ngó muốn xâm chiến nước ta. Song nhà Mạc để lại nhiều dấu ấn và chứng tích lịch sử oanh liệt trên một dải vùng duyên hải Bắc Bộ. Dương Kinh được xem là kinh đô đầu tiên của người dân vùng biển do nhà Mạc dựng lên.

Thái tổ Mạc Đăng Dung bằng tài trí văn võ song toàn, dùng võ công định đoạt thiên hạ, dùng nhân đức để trị quốc an dân, lấy văn giáo để rèn luyện nhân tài, lấy tư duy đổi mới thực thi chính sách cách tân, tiến bộ để phát triển nông, công, thương, xây dựng một xã hội đất nước giàu mạnh, ấm no, công lao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Vương triều Nhà Mạc đối với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là vô cùng to lớn.

Để ghi nhận công lao to lớn của Đức Thái Tổ và Vương triều Mạc, tháng 9/2009, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc đã được khởi công xây dựng trên diện tích 10,5ha, đây là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 475 năm ngày mất Thái tổ Mạc Đăng Dung, UBND thành phố công nhận Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Năm 2020, có 03 hiện vật thời Mạc là: Long đao (hiện lưu giữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc); Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (hiện được thờ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương) được Thủ tướng Chính phủ vinh danh là bảo vật quốc gia. Điều này, một lần nữa khẳng định Vương triều Mạc có vị trí quan trọng trong lịch sử, có những đóng góp tích cực, xứng đáng với truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trung tâm tinh hoa Võ thuật Vương triều Mạc biểu diễn các màn võ thuật truyền thống.

Tại Lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo thành phố cùng Nhân dân địa phương dâng hương tri ân công lao của Mạc Thái Tổ. Cũng tại đây, Đoàn Chèo Hải Phòng thực hiện hoạt cảnh chèo “Tái hiện Lễ Đăng quang của Thái tổ Mạc Đăng Dung, khai sáng Vương triều Mạc”; Trung tâm tinh hoa Võ thuật Vương triều Mạc biểu diễn các màn võ thuật truyền thống.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, tối nay UBND huyện Kiến Thụy sẽ tổ chức Lễ biểu dương giáo viên, học sinh tiêu biểu năm học 2022-2023.

Hồng Nhung, Đàm Thanh

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

Hải Phòng sẵn sàng cho Chợ Tết công đoàn quy mô lớn năm 2025

Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…

10/01/2025

Hải Phòng thông tin hội thi Vật dân tộc thời Mạc lần thứ 4

Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…

10/01/2025

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tiếp xã giao Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

10/01/2025

Tiếp nhận “Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More