Print Chủ Nhật, 12/12/2021 19:12 Gốc

Năm 2021, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của bà con nông dân trên địa bàn huyện Kiến Thụy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của UBND huyện cùng sự nỗ lực của người dân, hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn của huyện vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kiến Thụy, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2021 của huyện ước đạt 1.771,4 tỷ đồng, đạt 97,1% kế hoạch thành phố giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn song toàn huyện đã gieo cấy được hơn 6.750 ha lúa, năng suất bình quân đạt 64,2 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 43.315,9 tấn. Cùng với đó, huyện gieo trồng hơn 1.700 ha cây rau màu các loại, sản lượng đạt gần 43.000 tấn. Diện tích trồng cây lâu năm của huyện là 425ha, cho năng suất 157 tạ/ha, sản lượng đạt 6.264,3 tấn.

Tổng đàn gia súc của huyện đạt hơn 30.000 con, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Theo đánh giá, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong năm ổn định, có xu hướng tăng với diện tích nuôi thả đạt 1.750 ha, sản lượng 35.257,6 tấn tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm với các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap được triển khai thực hiện.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Tú Sơn.

Trong những năm qua, sản xuất chăn nuôi của huyện phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và đang từng bước hình thành các loại hình liên kết chăn nuôi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với các nhóm hộ, sản xuất theo chuỗi khép kín, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; tỷ lệ tăng đàn bình quân tăng từ 4-5%.

Toàn huyện hiện có124 trang trại, gia trại, trong đó, có 6 trang trại chăn nuôi lợn, 5 trang trại chăn nuôi gà liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng của người lao động, huyện đã thành lập mới HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay huyện có 26 HTX, trong đó có 12 HTX nông nghiệp chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, tiêu biểu như HTX chăn nuôi Thái Sơn (xã Tú Sơn), HTX Mật ong Tùng Hằng (xã Đại Hợp), HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Thụy Hương, HTX sản xuất rượu Đế vương (thôn Đương Thắng xã Ngũ Đoan). Các HTX đều có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, đáp ứng được nhu cầu thực tế của thành viên và người dân địa phương.

Nông dân dọn cỏ trên luống rau mùng tơi trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất quy mô lớn.

Từ đó, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người nông dân.

Đến nay, trên địa bàn huyện còn duy trì 41 vùng sản xuất tập trung với 2.044 ha. Các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất đã đầu tư đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2021, huyện cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Toàn huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và đưa vào sử dụng 5 hạng mục công trình.

Ngoài ra, huyện còn ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu xã Thanh Sơn, phê duyệt đầu tư xây dựng 17 công trình giao thông, 1 công trình môi trường với kinh phí 192,135 tỷ đồng; hoàn thành 15/17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu xã Thụy Hương; huyện có 28 công trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với tổng kinh phí đầu tư 145.330 triệu đồng; vận động 424 hộ dân hiến 8.496,1m2 tương ứng với kinh phí khoảng 33.716,86 triệu đồng…

Ngoài ra, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Kiến Thụy đã tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm có hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021 đối với 20 sản phẩm của 5 chủ thể. Kết quả, 20/20 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng đạt tiêu chuẩn đánh giá các sản phẩm OCOP cấp thành phố; trong đó, 15 sản phẩm xếp hạng 4 sao; 5 sản phẩm xếp hạng 3 sao cấp thành phố…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển nông thôn của huyện vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa giữ vững đà tăng trưởng vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Kiến Thụy cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng khuyến khích tích tụ ruộng đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, xây dựng các vùng sản xuất tập trung; vùng sản xuất rau củ quả ứng dụng công nghệ cao; các khu trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân…

LIÊM ĐOÀN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Huyện Kiến Thụy: Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2021 ước đạt 1.771,4 tỷ đồng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác