Với việc mở cửa lại du lịch trong tình hình mới, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện tiếp đón du khách đến với đảo Ngọc, vấn đề đảm bảo ổn định nguồn nước ngọt trong mùa du lịch cao điểm được huyện Cát Hải quan tâm.
Khu du lịch Cát Bà tiêu thụ 6.500m³ nước/ngày đêm
Sau một thời gian dịch bệnh Covid-19 khiến du khách không thể đến với đảo Ngọc, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của địa phương.
Với việc mở cửa lại du lịch trong tình hình mới, thống kê của huyện Cát Hải cho biết, tính từ ngày 15/3 đến hết ngày 21/3, tổng lượt khách du lịch đến Cát Bà từ khi mở cửa du lịch ước đạt 5.250 lượt khách, đặc biệt là vào ngày cuối tuần, lượng khách đến Cát Bà tăng đáng kể so với thời điểm chưa mở cửa đón khách du lịch.
Trong đó, khách tham quan, lưu trú ngủ đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đạt 1.757 lượt khách. Theo nhận định, lượng khách đến với Cát Bà sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Cát Hải cũng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 314 cơ sở lưu trú (trong đó: Trung tâm du lịch Cát Bà 256 cơ sở; các xã, thị trấn 47 cơ sở; các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khác 11 cơ sở) với tổng số 6.458 phòng nghỉ, có 150 tàu chở khách tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên các Vịnh và 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch.
Ngoài ra, có gần 500 phòng nghỉ của trên 100 hộ gia đình kinh doanh nhà nghỉ. Với 1,5 triệu lượt khách du lịch đến Cát Bà trong năm 2020 nhu cầu sử dụng điện, nước đi theo rất lớn, đặc biệt vào dịp cao điểm những người lễ và dịp cuối tuần.
Ông Nguyễn Bá Thắng, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước huyện Cát Hải cho biết, hiện trung bình, các xã trên đảo Cát Bà tiêu thụ khoảng 7.000m³ nước/ngày đêm (riêng thị trấn Cát Bà là khoảng 6.500m³/nước ngày đêm).
Đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt những năm trước là do thời tiết ít mưa, các hồ nước bị cạn kiệt không được đầu tư mở rộng, trong khi nhu cầu sử dụng ngày một nhiều.
Để khắc phục tình trạng đó, huyện Cát Hải đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải bài toán thiếu nước ngọt trầm trọng nêu trên. Trong đó, sau một thời gian triển khai đến nay hồ nước ngọt Trân Châu đã đưa vào sử dụng.
Hồ nước ngọt Trân Châu có dung tích gần 300.000m³ nước, hồ có nhiệm vụ chứa nước ngọt, tích trữ nước cung cấp cho nhu cầu thiết yếu về nước sinh hoạt cho người dân các xã đảo Cát Bà.
Là đơn vị chủ đầu tư Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Trân Châu, ông Bùi Quang Hoằng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, cho biết: Cuối năm 2020, đơn vị đã bàn giao hồ nước ngọt Trân Châu cho huyện Cát Hải sử dụng vào mục đích cung cấp nước thô cho nhà máy nước sạch huyện Cát Hải.
Ngoài nguồn cung cấp nước ngọt hiện có, một nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt với công suất 3.000m³/ngày đêm đang được Xí nghiệp Cấp nước Cát Hải thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng vận hành hoạt động.
Anh Nguyễn Thành Sơn, chủ khách sạn Giang Sơn Hotel, địa chỉ tại đường 1-4 thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải phấn khởi cho biết, trung bình khách sạn của anh tiêu thụ 30m³ nước/ngày đêm, vào thời điểm năm 2016, 2017 cứ đến dịp cao điểm mùa du lịch các khách sạn lại lo ngại việc thiếu nước sạch sinh hoạt cho du khách.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra, du khách đến Cát Bà an tâm tham quan, nghỉ dưỡng vào các dịp cuối tuần và ngày lễ.
Hiện đơn vị cung cấp nước sạch thường xuyên kiểm tra, duy tu hệ thống đường ống cũng như bảo vệ nguồn nước thô phục vụ nhà máy để đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định trong mùa du lịch.
Với việc triển khai các biện pháp đảm bảo cung ứng đủ nước sinh hoạt trong mùa du lịch 2022, huyện Cát Hải tự tin đón 1,5 triệu lượt khách đến với đảo Ngọc.
TRUNG KIÊN