Print Thứ bảy, 26/01/2019 19:13

Nước thải sinh hoạt tràn lên mặt đường bốc mùi hôi thối, rác thải trôi nổi trên các vịnh Cát Bà đang đe dọa môi trường của khu du lịch Cát Bà và khiến du khách và người dân thị trấn Cát Bà khó chịu. 

Nước thải tràn lộ thiên

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, nhiều du khách đang tham quan, nghỉ mát tại khu vực gần quảng trường trung tâm thị trấn Cát Bà bất ngờ được “thưởng thức” mùi hôi thối khó chịu do nước thải tràn lên mặt đường khu du lịch. Tại đây, nhiều công nhân Công ty quản lý công trình công cộng và dịch vụ đô thị Cát Hải khẩn trương đang dùng máy bơm phun  nước biển lên mặt đường để pha loãng, song mùi hôi thối vẫn không hết.

Trời nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên khiến nhiều du khách nhăn mặt, bịt mũi khi phải đi qua đây. Chị Nguyễn Thị Phượng, ở phường Kênh Dương (quận Lê Chân) đang du lịch cùng gia đình tại Cát Bà phàn nàn, điều kiện vệ sinh môi trường tại khu du lịch Cát Bà ngày càng kém so với những năm trước đây. Thành phố và huyện đang tích cực quảng bá cho thương hiệu du lịch Cát Bà xanh song lại để xảy ra tình trạng này thật khó chấp nhận.


Huyện Cát Hải ra quân cắt giảm ô lồng nuôi nhuyễn thể trên các vịnh Cát Bà.

Theo những người dân ở thị trấn Cát Bà, tình trạng nước thải tràn lên đường ở đây xảy ra nhiều năm nay song chưa được khắc phục triệt để. Hệ thống cống thoát nước tại khu vực trung tâm thị trấn hoạt động kém hiệu quả nên khi nước triều dâng là nước thải lại tràn lên mặt đường. Nhất là những ngày oi nóng, có gió nam từ biển thổi vào khiến cả khu trung tâm thị trấn Cát Bà nồng nặc mùi khó chịu. Người dân và du khách đi tắm biển qua khu vực quảng trường trung tâm thị trấn chỉ biết bịt mũi, nín thở, lắc đầu ngao ngán.

Theo Giám đốc Công ty quản lý công trình công cộng và dịch vụ đô thị Cát Hải, Đặng Đình Hỏa, hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt được xây dựng từ nhiều năm trước, đang xuống cấp. Nhà máy xử lý nước thải do công ty vận hành có công suất đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt của người dân thị trấn Cát Bà và khoảng hơn 1,5 nghìn du khách mỗi ngày. Song từ năm 2017, và nhất là mùa hè năm nay, lượng khách du lịch đến Cát Bà tăng đột biến, có ngày lên đến gần 10 nghìn du khách nên nhà máy bị quá tải, dẫn đến việc nước thải tràn lên đường, chảy xuống biển.

Để khắc phục tình trạng này, trong tháng 7 này, Công ty sẽ vận hành thêm 1 trạm xử lý nước thải mới, đáp ứng nhu cầu xử lý xử lý nước thải sinh hoạt của khoảng 3 nghìn du khách/ ngày. Trong tháng 9 tới đây, UBND huyện cũng sẽ triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên toàn huyện, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt tại khu du lịch.

Rác thải trôi nổi trên các vịnh

Không chỉ trung tâm khu du lịch, tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cũng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nước. Theo ghi nhận của phóng viên, trên mặt vịnh Lan Hạ có nhiều loại túi nilon, chai lọ, phao xốp vỡ vụn… trôi nổi trên mặt nước. Hè năm nay, khách du lịch tham quan các vịnh tăng. Nhiều người dân địa phương, khách du lịch và ngư dân trên các tàu cá thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác xuống biển khiến công tác thu gom rất vất vả. Trung bình, mỗi ngày Ban quản lý các vịnh Cát Bà thu gom hơn 10 m3 rác thải trôi nổi trên các vịnh, tăng gấp đôi so với mùa hè năm 2017. Hiện nay, Ban quản lý vịnh Cát Bà tăng cường lực lượng, tổ chức 3 đợt thu gom mỗi ngày, song vẫn chưa vớt hết được lượng rác trôi nổi.

Không chỉ vậy, nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản do lượng thức ăn thừa chủ yếu là cá tạp, rơi xuống đáy biển tích tụ lại, kết hợp chất thải sinh hoạt do số lao động trên các lồng bè tăng nhanh (hiện có khoảng hơn 1.200 người) và nhiều vật nuôi sinh sống trên lồng bè tạo ra lượng chất thải rất lớn đổ trực tiếp xuống biển cũng đang trực tiếp gây ô nhiễm môi trường các vịnh. Một số hộ nuôi trồng thủy sản kết hợp tổ chức tham quan, ăn uống trên bè, các nhà hàng nổi cũng xả trực tiếp xuống biển mà không qua hệ thống xử lý chất thải càng khiến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Theo Giám đốc Ban quản lý các vịnh Cát Bà, Nguyễn Công Hòa, huyện có chủ trương cắt giảm 441 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh xuống còn 152 cơ sở vào năm 2020, di dời toàn bộ nhà hàng nổi trên vịnh Cát Bà cũng như di dời cảng cá tới vị trí mới. Khi thực hiện các giải pháp trên thì tình trạng ô nhiễm sẽ giảm. Tính đến ngày 30-6, huyện đưa toàn bộ  tàu xi măng, phương tiện khai thác, cơ sở sửa chữa cơ khí ra khỏi vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ; chấm dứt nuôi nhuyễn thể trên giàn bè. Đến cuối năm 2018, sẽ chấm dứt nuôi nhuyễn thể trên các bãi triều, rạn ngầm trên các vịnh, đồng thời cắt giảm 30% cơ sở nuôi và số ô lồng nuôi thủy sản..

Đề án “Phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” của UBND thành phố xác định, phấn đấu xây dựng Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn quan trọng và động lực trong phát triển du lịch đất Cảng. Để làm được việc này, thành phố cần có chính sách phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè và tìm các giải pháp “xanh” để cải thiện môi trường cho vùng di sản này. Trong đó, việc nâng cấp hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải tại khu du lịch Cát Bà, ban hành quy chế quản lý các hoạt động du lịch trên vịnh, cắt giảm ô lồng trồng thủy sản trên các vịnh cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Bài và ảnh: Nguyễn Dương – Báo Hải Phòng 07/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Huyện Cát Hải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khu du lịch Cát Bà
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác