Sáng 10/5, Huyện ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện An Dương trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện An Dương (10/5/2003-10/5/2023).
Tham dự chương trình có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Phó Tư lệnh Quân khu Ba; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo các đoàn thể chính trị-xã hội; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong thành phố; lãnh đạo các địa phương, đơn vị kết nghĩa.
An Dương là huyện ven đô, cửa ngõ phía tây bắc thành phố Hải Phòng. Theo chiều dài lịch sử phát triển, huyện An Dương được hình thành từ rất sớm và là địa phương giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Trên địa bàn huyện có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu là 13 di tích cấp Quốc gia, 36 di tích cấp thành phố, 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cùng với nhiều làng nghề truyền thống khác. Đặc biệt, huyện còn có truyền thống khoa bảng, hiếu học khi có 15 vị đỗ đại khoa Nho học và từng làm quan triều nhà Trần và nhà Lê.
Trước kia, huyện An Dương gồm các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và Hải An ngày nay. Khi thành phố Hải Phòng được thành lập, huyện An Dương được tách ra thành huyện An Dương và huyện Hải An và sau đó tiếp tục được hợp nhất thành huyện An Hải. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước, nhất là hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Nhân dân An Dương cùng với Nhân dân Hải An góp công vào chiến thắng hào hùng “nổi sấm đường 5, Cát Bi rực lửa”.
Xuất phát từ yêu cầu và sự phát triển của thành phố Hải Phòng, thành phố đô thị loại I cấp Quốc gia, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước, hội nhập và phát triển, ngày 20/12/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 106 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Hải, thành lập quận mới Hải An và đổi tên huyện An Hải thành huyện An Dương, thuộc thành phố Hải Phòng. Ngày 10/5/2003 UBND thành phố Hải Phòng công bố Quyết định đổi tên huyện An Hải thành huyện An Dương.
Sau khi bàn giao 05 xã về quận Hải An và 02 xã về quận Lê Chân, huyện An Dương còn 16 đơn vị hành chính gồm 15 xã, 1 thị trấn với diện tích đất tự nhiên 9.831 ha, dân số trên 134.000 người; đến nay dân số của huyện trên 206.000 người.
Sau 20 năm tái lập, huyện An Dương đã đạt được những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực như: Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp-Xây dựng (từ 21% lên trên 90%), giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp xuống dưới 10%. Thu ngân sách trên địa bàn trên 900 tỷ, tăng gấp 15 lần khi tái lập huyện. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được ưu tiên đầu tư xây dựng kết nối đồng bộ với nhiều dự án phát triển đô thị, nhà ở, chung cư quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng được khai thác và huy động từ các nguồn lực, tạo nên diện mạo đô thị mới cho huyện. Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh của huyện luôn được chú trọng, giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tiềm lực quốc phòng-an ninh và thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường.
Trong niềm vui phấn khởi và tự hào của buổi lễ ngày hôm nay, thay mặt Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện An Dương, đồng chí Trần Thị Quỳnh Trang, Bí thư Huyện ủy kêu gọi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, lực lượng vũ trang, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và những thành tựu đạt được trong 20 năm qua, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức, phát huy tiềm năng và nội lực, hăng hái thi đua lao động sản xuất và công tác, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra, góp phần cùng quân và dân thành phố thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân huyện An Dương đã đạt được trong những năm qua. Để đạt được những chỉ tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội các cấp đã đề ra, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân huyện An Dương tiếp tục tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Xây dựng Đảng bộ và cả hệ thống chính trị huyện vững mạnh, đoàn kết.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp và thương mại dịch vụ, gắn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với phát triển các làng nghề truyền thống, hình thành liên kết các chuỗi giá trị, qua đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng yếu, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho Nhân dân và cán bộ, công chức, người lao động. Duy trì và nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2023, 100% các xã của huyện cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
Trong dịp này, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân huyện An Dương vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động Hạng Ba ghi nhận thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Hồng Nhung, Đàm Thanh