Hải Phòng hiện là một trọng điểm phát triển của miền Bắc và cả nước, được Trung ương đặc biệt quan tâm và các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn hướng tới. Với tiềm năng, vị thế, với sự đầu tư thích đáng về kết cấu hạ tầng và sự đổi mới, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mỗi năm Hải Phòng đang thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Đây là yếu tố quan trọng, góp phần để Hải Phòng phát triển nhanh và có nhiều đột phá.
Nguồn vốn của doanh nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư phát triển của Hải Phòng.
Trong ảnh: Nhà máy Vinfast do tập đoàn Vingroup đầu tư.
Ảnh: Duy Thính
Giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách
Những năm trước đây, vốn ngân sách chiếm tỷ trọng chủ yếu trong đầu tư phát triển của Hải Phòng thì nay vốn đầu tư xã hội đang có nhiều ưu thế. Vốn ngân sách trong nhiều trường hợp chỉ phát huy vai trò như nguồn vốn mồi.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch- Đầu tư Hải Phòng, hơn 10 năm trước, mỗi năm, Hải Phòng chỉ huy động được khoảng 8000- 9000 hoặc nhiều lắm hơn 10.000 tỷ đồng/năm cho đầu tư phát triển nhưng năm 2017 đã huy động hơn 71.800 tỷ đồng. Những năm gần đây, vốn đầu tư phát triển của Hải Phòng tăng bình quân gần 17%/năm. Nhưng đáng chú ý hơn cả là cơ cấu đầu tư chuyển dịch rất nhanh theo hướng tích cực. Theo đó, tỷ trọng đầu tư từ khu vực Nhà nước giảm mạnh từ hơn 46,7% xuống còn hơn 20,6%. Còn lại là vốn từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và vốn FDI.
Có thể nhận thấy rõ sự nhộn nhịp đổ vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước vào các dự án lớn nhất từ trước tới nay tại Hải Phòng. Đó là Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các dự án: Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên; Khu đô thị Vinhomes Imperia; tòa tháp 45 tầng; Bệnh viện quốc tế Vinmec; Khu đô thị cầu Rào 2 và đặc biệt nhất là Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD… Tập đoàn Sungroup đang khẩn trương đầu tư vào khu vực Cát Hải, Cát Bà với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD. Một loạt các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác cũng không ngần ngại rót hàng nghìn tỷ đồng vốn vào Hải Phòng như Tập đoàn BRG với dự án sân golf và khu biệt thự Đồ Sơn hơn 2100 tỷ đồng; khách sạn 5 sao Hilton hơn 1000 tỷ đồng; Công ty Nhật Hạ với khách sạn 5 sao Pullman 1600 tỷ đồng… Những công trình này đang được đánh giá là sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và phát triển kinh tế Hải Phòng với những đột phá táo bạo.
Nguồn vốn FDI đổ vào Hải Phòng cũng không ngừng tăng nhanh những năm gần đây. Con số dự án hàng tỷ USD không còn xa lạ với Hải Phòng khi chỉ riêng 3 dự án của Tập đoàn LG đã có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4 tỷ USD. Cùng với đó là một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại Hải Phòng như Bridgestone, Nippro Pharma, Kyocera, Fuji Xerox, GE, Nô- mu- ra… Mới đây, Tập đoàn Ren A Port (Bỉ) đã đầu tư thêm hơn 150 triệu USD xây dựng Khu công nghiệp Deep C 3 tại đảo Cát Hải và vừa đưa vào hoạt động KCN Deep C 2 với tổng vốn đầu tư 141 triệu USD… Dự kiến, năm nay, Hải Phòng sẽ thu hút được khoảng hơn 2 tỷ USD vốn FDI, gấp hơn 2 lần so với kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, nguồn vốn vay và viện trợ nước ngoài cũng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của Hải Phòng. Phần lớn các dự án được xúc tiến khẩn trương, giúp tăng thêm tiềm lực phát triển mới cho thành phố.
Tiếp tục khơi thông các nguồn lực
Với tốc độ thu ngân sách tăng nhanh, năm 2018, Hải Phòng dự kiến dành khoảng hơn 9000 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư cho các dự án. Tuy nhiên, với quan điểm vốn ngân sách chỉ là vốn mồi, còn lại là các nguồn vốn khác nên thành phố đang tiếp tục tìm ra những hướng đi mới nhằm khơi thông các nguồn lực đầu tư.
Theo đó, thành phố đang chỉ đạo rất sát sao việc thực hiện quy trình thủ tục kêu gọi nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp theo hình thức hợp tác công tư PPP. Cụ thể là huy động các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ. Hiện đã có khu U19 Lam Sơn; U1,U2,U3 Lê Lợi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các khu chung cư H1, H2, H3 Đồng Quốc Bình đang được xúc tiến khẩn trương. Tính đến nay, các doanh nghiệp đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư vào các công trình này. Dự án tuyến đường bộ ven biển cũng do doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn hơn 3000 tỷ đồng. Đổi lại, thành phố sẽ hoàn trả doanh nghiệp bằng các khu đất theo quy hoạch hoặc quyền khai thác kinh doanh, dịch vụ với những cơ chế chính sách thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thành phố và người dân đang cần. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Với những cách làm này, Hải Phòng quyết tâm huy động và tập trung các nguồn lực để phát triển với những bước đi táo bạo và đột phá, giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách và tăng cường các nguồn vốn xã hội hóa
Hồng Thanh – Báo Hải Phòng ngày 01/06/2018