Print Thứ Sáu, 31/05/2019 09:35

Ngày 22-10-2018 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW (Nghị quyết 36), về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nhấn mạnh: Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

Cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện (Hải Phòng)

Định hướng phát triển bền vững

Với vị trí địa lý đặc thù, Việt Nam là quốc gia sở hữu chủ yếu phần ven biển của bán đảo Đông Dương, chiều dài bờ biển khoảng 3.260km, có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền.

Từ lâu, biển có vai trò vô cùng quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta. 

Chính vì vậy, việc quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cũng như khai thác tiềm năng từ biển vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng.

Cách đây hơn 30 năm, trong hội nghị khoa học về biển tổ chức ngày 8-6-1985 tại Hải Phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – lúc đó với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã khẳng định: “Dù tài nguyên biển có thể to lớn hay hạn chế, thì đó cũng đã là sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên đối với nước ta”.

Đại tướng cho rằng, biển là yếu tố quan trọng để giao lưu quốc tế, tạo thuận lợi để mở rộng liên kết giữa các địa phương ven biển, giữa các vùng kinh tế trong nước, phát triển giao thông vận tải biển, các công trình ven biển, các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại quốc tế…

Từ năm 2007, tại Hội nghị TW4 (khóa 10), Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Nghị quyết đã định hướng mục tiêu: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”.

Như vậy có thể nói, Nghị quyết 36 được Trung ương khóa 12 ban hành, là sản phẩm tổng kết thực tiễn quá trình hơn 10 năm thực hiện nghị quyết 09-NQ/TW khóa 10, rút ra những bài học thành công và chưa thành công để đưa ra những quyết sách phù hợp hơn cho một giai đoạn mới, với điểm nhấn là phát triển bền vững.

Theo đó, bằng cách tiếp cận hết sức cụ thể, Nghị quyết 36 đã xác định rõ việc phát triển 6 nhóm ngành kinh tế biển đến năm 2030, với mục tiêu phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Sống với biển, làm giàu từ biển

Tiếp tục khẳng định vị thế Hải Phòng

Nhìn vào danh mục định hướng chiến lược của Nghị quyết 36, cho thấy Hải Phòng là địa phương đã và đang sở hữu đầy đủ cả 6 lĩnh vực, tiếp tục khẳng định vai trò  là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển của cả nước.

Là một trong 28 địa phương ven biển của Việt Nam, nằm ở vị trí trọng điểm vùng duyên hải Bắc Bộ. Trên thực tế, vùng đất cửa biển Hải Phòng đã có hàng nghìn năm dựa vào thế biển để sinh tồn. Nhìn về tổng quan, Hải Phòng có khoảng 125km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100 nghìn km2, tạo một vùng mặt nước nội hải trên 4.000 km2, quỹ đất ngập nước ven biển tới 24,58 nghìn hec-ta.

Chưa kể 24 nghìn hec-ta mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vùng, vịnh quanh các đảo, mang lại lợi thế ưu đãi phát triển đa ngành. Với những gì đang hiển hiện, có thể hình dung các mũi nhọn kinh tế của Hải Phòng hiện đều hướng ra biển.

Điều hết sức đặc biệt là, chỉ sau thời gian ngắn Nghị quyết 36 được ban hành, ngày 24-1-2019 Bộ Chính trị có Nghị quyết chuyên đề riêng số 45-NQ/TW cho phát triển Hải Phòng. Theo đó, quan điểm định hướng là “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế…”.

Đồng thời nhấn mạnh Hải Phòng cần: “đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cả nước, sớm trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững với những ngành mũi nhọn như kinh tế biển, cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, dịch vụ logistics, khoa học và công nghệ biển”.

Như vậy có thể nói, Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW chính là cơ sở trụ cột để Hải Phòng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới. Trên nền tảng đó, ngày 27-3-2019 Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 72-Ctr/TU nhằm cụ thể hóa quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân thành phố, phấn đấu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước…

Theo đó, các ngành kinh tế biển phát triển bền vững, giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố (GRDP), góp phần để Hải Phòng đóng góp 8,2% vào GDP cả nước và  28,3% vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đầu tư nâng cấp và xây mới cảng biển phục vụ phát triển dịch vụ vận tải biển, đưa sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn đạt 550 đến 580 triệu tấn vào năm 2030; giá trị GRDP công nghiệp từ khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp ven biển giữ vai trò quan trọng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GRDP công nghiệp toàn thành phố đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đến năm 2030 là 12% đến 13%/năm…

Có thể nói, đây là hướng đi không chỉ khai thác đúng tiềm năng, lợi thế, mà còn đảm bảo tính chiến lược, lấy phát triển kinh tế biển làm nền tảng vững chắc để phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc. Với việc xác định rõ tính cơ yếu hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, tin tưởng rằng Hải Phòng tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trên lộ trình vươn ra biển lớn.

Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2019:  Tiếp tục lộ trình vươn ra biển lớn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác