Kết quả xây dựng nông thôn mới; cải tạo chỉnh trang đô thị Hải Phòng 3 năm qua khẳng định chủ trương đúng, hợp lòng dân của Thành ủy Hải Phòng. Ở đây, ngân sách bỏ một, nhân dân bỏ mười và sức dân là yếu tố quyết định sự thành công. Ấn tượng hơn khi nhân dân không chỉ tự nguyện bỏ công sức, tiền của mà còn rất hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng bởi mỗi công trình đều là của dân, do dân làm, dân quản lý và dân thụ hưởng.
Kỳ 3:
Sức dân là quyết định
Nông thôn Hải Phòng đang từng ngày đổi sắc. Ảnh: Trung Kiên
Nở rộ những gương sáng
Quan điểm chỉ đạo chung của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố khi áp dụng cơ chế hỗ trợ vật tư trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị là khoan thư sức dân, không gây áp lực, tất cả đều phải do dân đồng thuận, dân bàn, dân quyết, dân đóng góp. Lãnh đạo các địa phương ngoài việc họp bàn, ra chủ trương, tạo sự thông suốt trong Đảng bộ, chính quyền còn liên tục xuống cơ sở, lắng nghe cặn kẽ tâm tư, nguyện vọng, khả năng đóng góp của người dân để có sự điều chỉnh kịp thời. Các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn không phải đóng góp. Bù lại, các hộ có điều kiện khá giả hơn đều tình nguyện bù thêm cho phần còn thiếu, nhiều hộ sẵn sàng đóng góp gấp 5- 10 lần để hoàn thành công trình. Nhiều người Hải Phòng thành đạt ở nơi khác cũng không ngần ngại góp sức để xây dựng quê hương. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ thêm cho các địa phương. Đáng chú ý, có hàng trăm hộ dân sẵn sàng hiến đất, trả đất, trong đó có nhiều mảnh đất rất có giá trị. Bởi thế, nguồn lực xã hội hóa lớn hơn nguồn lực từ ngân sách gấp nhiều lần.
Trong các phong trào này, xuất hiện hàng trăm tấm gương sáng sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì mục tiêu chung của thành phố. Tại huyện Cát Hải, tiêu biểu là gia đình bà Đinh Thị Ly ở thôn 2, xã Việt Hải hiến 2000 m2 đất nông nghiệp làm nhà văn hóa xã, đường nội đồng; gia đình bà Nguyễn Thị Bé thôn 1, xã Hiền Hào hiến 1000 m2 đất nông nghiệp xây dựng trung tâm văn hóa thẻ thao xã; gia đình ông Vũ Văn Thi ở thôn 1, xã Hiền Hào hiến 1000 m2 đất làm đường nội đồng. Tại huyện Vĩnh Bảo, có gia đình bà Phạm Thị Miên, thôn Kim Lâu, xã Tân Liên hiến 120 m2 đất thổ cư, 100 m2 đất nông nghiệp, đóng góp 10 triệu đồng làm đường thôn xóm và đường nội đồng; ông Phạm Phú Tấn ở thôn Phương Trì 2, xã Hùng Tiến vận động nhân dân hiến đất, đóng tiền để mở rộng tuyến đường thôn xóm, đồng thời trực tiếp ủng hộ hơn 200 triệu đồng xây dựng đường thôn, xóm, tu sửa nghĩa trang; ông Khúc Văn Huynh ở thôn Hạnh Phúc, xã Đồng Minh vừa vận động nhân dân hiến đất, đóng tiền, vừa trực tiếp hiến 240 m2 đất, 30 ngày công lao động để làm đường, tổng trị giá đóng góp hơn 90 triệu đồng.
Tại huyện An Dương, có tấm gương gia đình ông Nguyễn Đình Lâm ở thôn 3, Tràng Duệ, xã Lê Lợi ủng hộ 300 triệu đồng làm đường giao thông, đường nghĩa trang; ông Nguyễn Xuân Hải thôn Tự Lập, xã Đặng Cương hiến đất và công trình trên đất trị giá 250 triệu đồng; gia đình bà Phạm Thị Hương thôn Phí Xá, xã Lê Thiện đóng góp 150 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Đông, thôn Cách Hạ, xã Nam Sơn đóng góp 350 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Thủy, thôn Minh Kha, xã Đồng Thái đóng góp khoảng 400 triệu đồng… Tại huyện Tiên Lãng, có gia đình ông Vũ Minh Đức ở khu 7, thị trấn Tiên Lãng ủng hộ toàn bộ kinh phí xây dựng 1 cây cầu nội đồng tại cánh đồng La (xã Khởi Nghĩa) với tổng số tiền 650 triệu đồng (nhân dân kết hợp tham gia đóng góp ngày công); gia đình ông Mai Thế Truyền trú tại số nhà 10, khu PG An Đồng, An Dương đóng góp 450 triệu đồng làm đường nội đồng tại xã Quang Phục; ông Vũ Duy Quyên, thường trú tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 650 triệu đồng xây dựng đường giao thông thôn Phú Cơ, xã Quyết Tiến; ông Vũ Nguyên Thái trú tại phường Đông Hải 1, quận Hải An ủng hộ 310 triệu đồng xây dựng các công trình nông thôn mới và di tích lịch sử kháng chiến tại xã Quyết Tiến; ông Vũ Văn Hợp thôn Cương Nha, xã Khởi Nghĩa ủng hộ toàn bộ kinh phí 400 triệu đồng làm cầu dân sinh tại thôn Cương Nha; ông Cao Hồng Mao ở thôn Nam Phong 2, xã Kiến Thiết ủng hộ 517 triệu đồng làm đường giao thông thôn Nam Phong 2…
Tại huyện Thủy Nguyên, có gia đình ông Trần Bá Lộc ở xã Dương Quan ủng hộ 8 tỷ đồng xây dựng trường mầm non, 300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn; ông Nguyễn Phú Quyền ở thôn Đông, xã Trung Hà đóng góp 900 triệu đồng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn; ông Nguyễn Hữu Bi, thôn 5, xã Hoàng Động ủng hộ 850 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Xuân thôn Trung, xã Phục Lễ hiến 200 m2 đất trị giá 200 triệu đồng để mở rộng đường giao thông đồng thời đóng góp thêm 300 triệu đồng; ông Lê Văn Tiền thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh đóng góp 500 triệu đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới… Huyện Kiến Thụy có gia đình ông Nguyễn Trung Tuyến, thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc ủng hộ hơn 1 tỷ đồng xây dựng cầu, nhà văn hóa, đường giao thông thôn; ông Bùi Đức Thắng thôn Đồng Rồi, xã Ngũ Đoan góp 500 triệu đồng làm 1,2 km đường nội đồng; ông Cao Văn Minh, thôn 4 xã Du Lễ góp hơn 400 triệu đồng làm 2 km đường nội đồng; gia đình ông Nguyễn Đức Cường, thôn 1, xã Tú Sơn tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng luôn đi đầu trong chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương, tình nguyện đóng góp 20 triệu đồng làm đường thôn xóm…
Nông thôn Hải Phòng có những thay đổi toàn diện về các cơ sở hạ tầng như trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa,… (Ảnh chụp tại Nhà văn hóa xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên)
Tại các quận, phong trào tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công, vật tư cải tạo, xây dựng ngõ ngách cũng sôi động không kém. Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du cho biết, có nhiều hộ sẵn sàng đóng góp 50- 100 triệu đồng. Trong đó, có nhiều gia đình tuy không phải khá giả nhưng vẫn sẵn sàng tham gia cùng địa phương. Tiêu biểu như vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tòng và bà Nguyễn Thị Lai ở lô 1, A8, ngõ 128 phường An Dương. Cả hai ông bà sinh sống đều dựa vào tiền lương hưu ít ỏi và quán nước nhỏ trước cửa nhà. Thế nhưng ngay khi biết được chủ trương của thành phố hỗ trợ vật tư cùng nhân dân cải tạo ngõ ngách xuống cấp, gia đình ông bà đã không ngần ngại hiến 12 m2 đất trị giá hơn 460 triệu đồng để mở rộng, cải tạo ngõ. Không chỉ gia đình bà Lai, để nâng cấp mở rộng ngõ 62/128 Tôn Đức Thắng, với sự hỗ trợ vật tư của thành phố, gần 60 hộ dân trong ngõ đã đồng thuận hiến một phần diện tích đất đang sử dụng của gia đình mình để mở rộng ngõ nhỏ vốn chỉ hơn 1m thành ngõ mới khang trang với chiều ngang 4m. Con ngõ trị giá 2 tỷ đồng được hoàn thành từ sự tự nguyện, đóng góp của nhân dân là chính trong khi nguồn hỗ trợ xi măng của thành phố chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Còn tại quận Hải An, quận Hồng Bàng, nhiều gia đình tự nguyện dóng góp 100- 500 triệu đồng cải tạo ngõ ngách. Tại các khu dân cư, sau khi họp bàn, thông tỏ cơ chế, chính sách của thành phố, các hộ dân đều hăng hái tham gia, nhà ít thì vài trăm nghìn đồng, nhà nhiều vài triệu hoặc hàng chục triệu đồng… Chủ tịch UBND quận Hải An Phạm Chí Bắc cho biết, để cải tạo, nâng cấp 333 ngõ, lắp đặt 114 bóng điện chiếu sáng, trồng 231 cây xanh, ngân sách Nhà nước tiết kiệm được 20,65 tỷ đồng (xã hội hóa được 13,87 tỷ đồng và vật tư khác tương ứng số tiền 6,78 tỷ đồng). Nhân với các địa phương khác cho thấy hiệu quả lớn lao của chương trình.
Không huy động quá sức dân
Như vậy, cơ chế hỗ trợ vật tư đã giải tỏa được rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về nguồn ngân sách bố trí cho xây dựng nông thôn mới; cải tạo đường ngõ đô thị, làm “sống dậy” các phong trào vốn một thời “ngủ yên” vì thiếu kinh phí. Điều quan trọng là đã tạo ra hiệu ứng xã hội rất to lớn, mang lại hiệu quả thiết thực mà toàn thể nhân dân thành phố đều nhìn thấy rất rõ.
Tuy nhiên, cũng trong quá trình thực hiện, lại tiếp tục nảy sinh những vấn đề mới và được các địa phương phản ánh, Thành ủy kịp thời có ý kiến chỉ đạo. Theo lãnh đạo một số huyện, quận Hải An, hiện còn có nhiều công trình trong diện được hỗ trợ vật tư nhưng số hộ dân thưa thớt, điều kiện sống còn khó khăn nên chỉ có thể tham gia được một phần kinh phí. So với tổng dự toán phê duyệt thì còn thiếu khá nhiều. Tuy nhiên, với quan điểm không huy động quá sức dân, các địa phương đang nỗ lực tìm các phương án khác giải quyết. Lãnh đạo quận Hải An đề xuất thành phố cho phép được trích từ nguồn thu để lại cho quận hỗ trợ thêm cát, đá, ống cống thoát nước cho các khu vực còn khó khăn. Một số huyện cũng đề nghị tương tự. Về vấn đề này, thành phố đang chỉ đạo các ngành liên quan xem xét, nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định, chính sách mới về hỗ trợ vật tư cho các khu vực đặc biệt khó khăn. Đồng thời khuyến khích các địa phương với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm có thể ban hành cơ chế, chính sách riêng trên cơ sở nguồn lực của địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh, bảo đảm thực hiện linh hoạt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo sự đồng thuận, phấn khởi trong nhân dân, phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2019 và cơ bản xóa các ngõ ngách đô thị xuống cấp trong năm 2018, trồng thêm hàng nghìn cây xanh làm mát đô thị Hải Phòng./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh – Báo Hải Phòng baohaiphong.com.vn 10/10/2018