Y tế

Hướng tới Ngày Đột quỵ thế giới (29/10): Tiếp tục nâng cao chất lượng cấp cứu, điều trị người bệnh

Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp là một trong 7 bệnh viện của Việt Nam vừa được Tổ chức Đột quỵ thế giới vinh danh tại hội nghị diễn ra ở thành phố Toronto (Canada). Trước đó, bệnh viện cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Kim cương do tổ chức này trao tặng trong khuôn khổ Hội nghị Đột quỵ thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Đây là sự tôn vinh xứng đáng đối với chất lượng hoạt động của hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não tại bệnh viện nhân Ngày Đột quỵ thế giới (29/10).

Chạy đua với thời gian, cứu sống người bệnh

Người bệnh Phạm Văn C., 78 tuổi, ở phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) được gia đình đưa tới Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp trong tình trạng hôn mê, liệt tứ chi, rối loạn nuốt, ứ đọng nhiều đờm rãi. Qua chụp CT sọ não-mạch não, kết quả cho thấy, người bệnh bị tắc hoàn toàn động mạch thân nền được can thiệp mạch não, lấy huyết khối. Theo BS. Đào Bá Dương, đây là ca can thiệp mang yếu tố quyết định sống còn. Các bác sĩ chạy đua với thời gian để cứu tế bào não của người bệnh. Sau can thiệp lấy huyết khối thành công, người bệnh đi lại bình thường và không bị di chứng.

Mỗi năm Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) điều trị hơn 2 nghìn người bệnh đột quỵ với hai phương pháp chủ yếu là dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Trong điều trị đột quỵ, do hành trình cấp cứu người bệnh đột quỵ cấp phải qua nhiều khoa, phòng khác nhau, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa liên quan. Tại Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, khi người bệnh đến Khoa Cấp cứu, các bác sĩ nhận diện người bệnh đột quỵ trong “giờ cửa sổ” điều trị, sau đó kích hoạt hệ thống khẩn cấp dành cho cấp cứu đột quỵ, báo động đến các khoa, phòng liên quan, như: Khoa Đột quỵ, Phòng chụp (Khoa Chẩn đoán hình ảnh), Khoa Ngoại thần kinh… sẵn sàng tiếp nhận người bệnh…

TS.BS. Phùng Đức Lâm, Trưởng Khoa Đột quỵ cho biết: Trong cấp cứu đột quỵ có câu “Thời gian là não”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của mức độ khẩn trương trong cấp cứu đột quỵ. Đối với các cơ sở y tế, đạt được các tiêu chí khắt khe về “thời gian cửa kim”, “thời gian cửa bẹn” tức là cơ sở đang có quy trình cấp cứu đột quỵ tốt. Có được kết quả đó cần sự phối hợp ăn ý giữa các khoa, phòng, sự ưu tiên đối với các xét nghiệm, chụp phim cho người bệnh đột quỵ cấp ở “giờ cửa sổ” bằng quy trình tối ưu nhất.

Bác sĩ thăm khám, kiểm tra sự phục hồi của người bệnh sau can thiệp điều trị đột quỵ.

Hình thành mạng lưới cấp cứu liên viện

Hiện, ngoài sự phối hợp tốt với các chuyên khoa trong bệnh viện, các bác sĩ Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) còn hình thành mạng lưới cấp cứu liên viện qua Zalo, phối hợp các bác sĩ ở các bệnh viện khác trong thành phố nhằm hỗ trợ chuyên môn để các bác sĩ tuyến dưới sơ cứu, vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa nhanh nhất. Ngay trong nhóm Zalo này, thông tin người bệnh được bác sĩ tuyến dưới báo trước để các bác sĩ tuyến trên nắm tình hình, rút ngắn thời gian cấp cứu điều trị đột quỵ. Vì thế, nhiều người bệnh ở các quận, huyện xa như Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Đồ Sơn… khi được vận chuyển đến Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, giảm thiểu nguy cơ để lại di chứng sau đột quỵ não và dự phòng cơn đột quỵ trong tương lai.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, trong Hội nghị Đột quỵ thế giới được tổ chức hằng năm, khi đánh giá việc quản lý chất lượng cấp cứu, điều trị đột quỵ của các cơ sở y tế, Tổ chức Đột quỵ thế giới trao các giải thưởng theo các mức độ từ thấp đến cao, gồm: Vàng, Bạch kim, Kim cương. Năm nay, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đạt được giải thưởng Kim cương, thể hiện sự nỗ lực lớn của bệnh viện.

Khi đạt giải thưởng cao nhất này, quy trình cấp cứu, điều trị người bệnh đột quỵ phải vượt qua 10 tiêu chí khắt khe, trong đó có một số tiêu chí quan trọng, như: Tỷ lệ người bệnh được điều trị với “thời gian cửa kim” (thời gian từ khi người bệnh nhập viện tới khi được tiêm bolus rtPA) ở mức dưới 60 phút phải đạt hơn 75% và ở mức dưới 45 phút đạt từ 50%; tỷ lệ người bệnh được điều trị với “thời gian cửa bẹn” (thời gian từ lúc nhập viện đến khi can thiệp lấy huyết khối) ở mức dưới 120 phút đạt từ 75% và ở mức dưới 90 phút đạt từ 50%; tỷ lệ người bệnh nhồi máu não được điều trị tái thông bằng tiêu sợi huyết hoặc can thiệp mạch phải hơn 25% và nhiều các tiêu chí khác.

Không “ngủ quên” trên thành quả đạt được, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị đột quỵ, mang lại cơ hội sống, cơ hội điều trị với kết quả tốt nhất đối với người bệnh đột quỵ./.

Bài và Ảnh: Việt Hoàng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More