Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:02

Hải Phòng là thành phố có tỷ trọng nông nghiệp thấp so với công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù vậy nguồn cung thực phẩm tại chỗ cũng khá lớn, theo số liệu thống kê, toàn thành phố hiện có hàng trăm trang trại đang hoạt động, cùng hàng nghìn gia trại và các mô hình chăn nuôi khác, phần lớn tập trung ở khu vực ngoại thành.

Lực lượng chức năng Hải Phòng thu giữ thực phẩm bẩn

Trong 7 tháng năm 2018, tổng đàn trâu trên địa bàn thành phố là 5.337 con, tổng đàn bò 13.251 con, tổng đàn lợn 410.866 con, tổng đàn gia cầm 7.513,7 nghìn con. Về thủy sản, sản lượng cả nuôi trồng và khai thác từ đầu năm đến nay ước đạt khoảng 95.000 tấn, riêng về rau mầu dù không nhiều vùng chuyên canh, nhưng sản lượng của thành phố cũng đạt tới con số hàng trăm nghìn tấn mỗi năm.

Tuy nhiên nhìn vào thị trường, nguồn cung thực phẩm của Hải Phòng chủ yếu đang được tiêu thụ trôi nổi tại các chợ truyền thống, hoặc qua các thương lái. Hải Phòng có nhiều siêu thị phân phối thực phẩm, đáng kể nhất là các siêu thị BigC, Co-opMart, MM Mega Market, Vinmart… với hàng nghìn sản phẩm từ tươi sống, sơ chế đến chế biến công nghệ. Về lý thuyết, các thực phẩm vào siêu thị đều thể hiện rõ nguồn gốc, được kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ trong môi trường bảo ôn.

Nhưng cũng dễ nhận thấy, gần như tất cả thực phẩm bán trong siêu thị không có nguồn gốc xuất phát từ Hải Phòng, ngoại trừ Vinmart tiêu thụ trong hệ thống sản phẩm của Vineco Vĩnh Bảo hay một vài sản phẩm nước mắm, xúc xích Hải Phòng xuất hiện khiêm tốn trên các kệ hàng. Cho thấy việc kiểm chứng thông tin về mức độ an toàn còn nhiều điều phải bàn. Nên nguồn được cho là “sạch” trong các siêu thị cơ bản vẫn phụ thuộc vào dung lượng quảng bá.

Mặc dù có nguồn cung đáng kể, nhưng số lượng mô hình sản xuất thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố còn rất khiêm tốn, hiện cả thành phố mới có gần chục cơ sở được cấp giấy chứng nhận “vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn”. Nhưng do phải theo quy trình, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như cơ chế tăng trưởng, mô hình sạch luôn bị đội chi phí, kéo dài thời gian, khiến giá thành sản phẩm tăng cao.

Trong khi đó như đã nói ở trên, nguồn thực phẩm sạch của Hải Phòng khó vào được hệ thống phân phối của siêu thị, còn nếu đưa ra thị trường thì không thể cạnh tranh với các nguồn cung khác, điều này đã khiến diện tích và sản lượng dành cho thực phẩm sạch của thành phố đang bị “teo tóp”.

Trên thực tế, Hải Phòng đã có không ít mô hình phân phối thực phẩm sạch, được quảng bá là khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Một thời điển hình là của thế mạnh thuộc về thực phẩm chế biến Hạ Long, Hải Long và thực phẩm tươi Huy Quang, đã từng thành lập hệ thống điểm bán lẻ khắp nội thành. Nhưng sau một thời gian hoạt động, các hệ thống này dần bị thu hẹp đến chỗ tê liệt.

Bài học chưa thành công từ sự nỗ lực của các thương hiệu trên có lẽ chính là hệ quả của một thị trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bởi lẽ như đã phân tích, ngoài sự lép vế khi phải cạnh tranh về giá, so về số lượng và hình thức thì thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng đang chiếm thế áp đảo trên thị trường, mà nguyên nhân chính là việc quản lý chợ cóc, vỉa hè, lòng đường quá lỏng lẻo.

Người viết bài này từng chứng kiến tại cửa hàng của Huy Quang ở chợ An Đà, một khách hàng mua 10 quả trứng với giá 25 nghìn đồng nhưng phải tìm chỗ dựng xe và chờ đợi. Trong khi đó ngay trước cửa hàng này, dưới lòng đường có một quầy bán trứng khá lớn, chủ quầy đon đả mang hàng cho những khách khác đang ngồi trên xe mỗi 10 quả trứng chỉ có 22 nghìn đồng.

Tương tự, nếu nhu cầu chỉ cần mua 1 mớ rau, dừng ở vỉa hè chỉ bỏ ra 7 nghìn đồng, còn vào mua rau sạch, không những mớ rau phải trả tới 10 nghìn đồng mà đôi khi còn mất thêm 5 nghìn đồng gửi xe. Trong trường hợp này, giá thực phẩm giữa “sạch” và “bẩn” chênh lệch quá lớn, mới hay tại sao thực phẩm sạch lép vế.

Đáng mừng là, trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục xuất hiện những kênh phân phối thực phẩm sạch, đáp ứng một bộ phận người tiêu dùng, nhất là trong lúc vấn đề “sạch” đang nóng trên diễn đàn xã hội. Điển hình là phương pháp bán hàng qua mạng đang được ưa chuộng.

Ông T. chủ cửa hàng dạng này ở đường Hàng Kênh cho biết, chỉ cần gõ trên bàn phím hoặc gọi điện đến đặt hàng, cửa hàng sẽ cung cấp theo nhu cầu gồm thịt, cá, rau, quả tươi có xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận đảm bảo VSATTP, giao hàng miễn phí cho những hóa đơn trên 100 nghìn đồng.

Ông T. chia sẻ thêm: “Trên thực tế cửa hàng không đặt mục tiêu lớn về lợi nhuận, mà chỉ mong muốn góp phần cho thị trường thực phẩm thành phố thêm thân thiện, bởi nếu trừ chi phí vận chuyển, bảo quản thì lợi nhuận không đáng kể”. Nói thì nói vậy, nhưng đã là kinh doanh mà không đặt mục tiêu lợi nhuận thì khó có cơ hội phát triển bền vững?

Vậy giải pháp nào cho thực phẩm sạch? Về lý thuyết thì công thức đưa ra là phải quan tâm đầu tư cho nguồn sản xuất sạch – có hệ thống phân phối sạch – chất lượng chuẩn mực và giá cả hợp lý. Mà nhiều năm nay trên các văn bản chuyên ngành vẫn xuất hiện những mô hình liên kết “nhiều nhà”, nhưng thực tiễn thì công thức mới chỉ mang tính khẩu hiệu.

Rõ ràng, những bất cập này phải từng bước được loại bỏ, trách nhiệm không phải ai khác mà chính là các nhà quản lý. Đáng buồn là trong thời gian qua, ngoài những con số tròn trĩnh trong báo cáo, thông tin cụ thể về những vụ việc kiểm tra, kiểm soát thị trường thành phố có quá ít.

Hải Phòng đang xúc tiến trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng và cả nước, ngoài nhu cầu tiêu thụ tại chỗ cho 2 triệu cư dân, thì nhu cầu về thực phẩm của khách tạm trú là tất yếu, hơn thế họ còn có thể mua về khi ra khỏi Hải Phòng như một món quà du lịch. Thiết nghĩ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng bằng một thị trường lành mạnh, phải là đích hướng tới của thành phố, được như vậy thì mục tiêu xây dựng một Hải Phòng “An toàn, thân thiện, đáng sống” mới thành hiện thực.

Lê Minh – Báo an ninh Hải Phòng 19/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hướng tới một thị trường thực phẩm an toàn: Kỳ 2 – Để thực phẩm thân thiện hơn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác