Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng cho biết chữ ký số là dịch vụ góp phần đảm bảo an toàn, tạo nên niềm tin cho xã hội, người dân đối với các giao dịch điện tử.
Ngày 25/6, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng với chủ đề “Nâng cao chất lượng dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng” với sự tham dự của các đơn vị quản lý, câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử, các doanh nghiệp đang cấp phép chữ ký số tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng cho biết chữ ký số là dịch vụ góp phần đảm bảo an toàn, tạo nên niềm tin cho xã hội, người dân đối với các giao dịch điện tử.
Niềm tin của người dân về sự an toàn của dịch vụ là điều kiện để các doanh nghiệp được phép cấp chữ ký số (CA) tiếp cận sâu rộng, phục vụ tốt hơn các đối tượng khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam, hướng tới mở rộng phát triển thị trường chữ ký số dành cho cá nhân.
Hiện nay, số lượng chữ ký số đã được cấp phép tại Việt Nam còn nhỏ, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng lưu ý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số cần xác định vai trò trong xu hướng phát triển của công nghệ, xã hội và các dịch vụ cần sử dụng chữ ký số trong công cuộc xây dựng kinh tế số, chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Năm 2011, dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đầu tiên có tên gọi VNPT-CA của đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức được cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam có 15 đơn vị được phép cung cấp dịch vụ chữ ký số cho hơn 1,4 triệu khách hàng tại Việt Nam. Trong số này chủ yếu là các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm…
Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc trung tâm Chứng thực Điện tử quốc gia, thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hiện gặp một số khó khăn.
Trong đó, khó khăn nhất là việc quản lý chất lượng, bởi hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng (CA) đều kinh doanh qua hệ thống đại lý. Các đại lý tập trung phát triển số lượng thuê bao dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.
Sau 10 năm khai thác 3 mảng dịch vụ là thuế, hải quan và bảo hiểm, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp thì thị trường chữ ký số cho doanh nghiệp Việt Nam đã đạt đến mức bão hòa.
Tính đến cuối năm 2019, hơn 758.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi đã cấp cho doanh nghiệp đạt 1,2 triệu chữ ký số. Như vậy, nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng chữ ký số không còn nhiều.
Thị trường chữ ký số cho cá nhân đã bắt đầu phát triển từ cuối năm 2018. Đến nay, số lượng chữ ký số cho cá nhân chỉ chiếm hơn 10%; cần nhiều chính sách hợp lý để phát triển trong thời gian tới.
Theo đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, hiện nhiều đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ chữ ký số bởi chi phí đầu tư cao, giá bán dịch vụ sát với chi phí nên lợi nhuận thấp, dẫn đến khó khăn trong đảm bảo tái đầu tư nâng cao hệ thống kỹ thuật và chất lượng dịch vụ. Nhiều đơn vị hiện đang chịu chi phí hỗ trợ sau khi bán dịch vụ chữ ký số rất lớn.
Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chữ ký số cũng nêu ý kiến về bất cập trong việc xác thực chéo, chứng thực chéo giữa nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số; việc sử dụng, lưu trữ chữ ký số chưa thuận tiện; nhiều doanh nghiệp chưa hiểu biết về đăng ký và sử dụng chữ ký số…
Để phát triển hơn nữa lĩnh vực chữ ký số ở Việt Nam, cần thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý thị trường chữ ký số như tạm dừng cấp phép thêm các đơn vị được phép cấp chữ ký số mới; tăng cường mở rộng thị trường chứng thực số cá nhân.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành tiêu chuẩn, quy định về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, tăng cường thanh kiểm tra đối với hoạt động của các đơn vị được phép cấp chữ ký số…/.
Ngọc Bích (TTXVN/Vietnam+)