Bạch Đằng từ lâu trở thành một địa danh nổi tiếng khi là nơi nối tiếp nhau ghi lại những chiến công hiển hách của cha ông ta trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Với vùng thượng lưu bắt nguồn từ sông Đá Bạc, hạ lưu đổ ra cửa Nam Triệu, sông Bạch Đằng có độ dài ước chừng 20 km, là ranh giới tự nhiên giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Hữu ngạn là địa phận huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), tả ngạn là huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Đôi bờ có nhiều nhánh sông đổ vào như sông Thải, sông Giá, sông Đước của huyện Thuỷ Nguyên; sông Khoai, sông Xinh, sông Chanh bên huyện Yên Hưng.
Người dân trên mọi miền đất nước đến tham quan và dâng hương tại Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Duy Thính
Là dòng sông nổi tiếng trong lịch sử đất nước nên hiện có khá nhiều tư liệu ghi chép trên chính sử nước ta cũng như những câu ca dao hay vần thơ còn lưu truyền trong dân gian nói về sông Bạch Đằng. Từ thế kỷ 15, khi Nguyễn Trãi biên soạn bộ “Dư địa chí” cho biết: “Sông Bạch Đằng còn có tên là sông Vân Cừ”. Đến thời Nguyễn khi các tác giả thuộc Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn bộ “Việt sử Thông giám cương mục” mô tả: “Sông Bạch Đằng rộng hơn hai dặm, ở đó có nhiều núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm, che lấp bờ bến, thực là nơi hiểm yếu về đường biển”. Qua ghi chép này của “Việt sử thông giám cương mục”, đến nay dòng sông có thể có nhiều biến đổi nhưng vẫn thấy được ở vùng thượng lưu về phía hữu ngạn có dãy núi Tràng Kênh án ngữ tới giữa sông ở phía Đông. Núi không cao nhưng lan sát tới bờ sông, tạo nên địa thế hiểm trở của vùng thượng lưu sông Bạch Đằng. Bên tả ngạn thuộc huyện Yên Hưng xưa kia là một cánh rừng có nhiều gỗ lim tiếp nối với những bãi sú, vẹt ven sông. Dấu vết của rừng xưa còn để lại qua một số cây lim cổ thụ quanh thị trấn Quảng Yên hay các tên đất như sông Rừng, bến Rừng, giếng Rừng. Vì thế sông Bạch Đằng còn có tên nôm là sông Rừng được thể hiện qua các câu ca dao như: “Con ơi nhớ lấy lời cha/Gió to sóng cả chớ qua sông Rừng”. Hay: “Nhất cao là núi U Bò/Nhất đông chợ Giá nhất to sông Rừng”.
Thực tế do sông Bạch Đằng đổ ra vịnh Bắc Bộ qua cửa Nam Triệu khá gần biển nên lúc triều lên, mặt sông mênh mông trải rộng đôi bờ tới vài km, lòng sông rất sâu. Trương Hán Siêu, một nhà thơ lớn sống vào cuối thời Trần khi viết bài thơ “Bạch Đằng giang phú” khắc hoạ vào thơ ca một bức tranh tuyệt đẹp về sông Bạch Đằng: “Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều/Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều/Bát ngát sóng kình muôn dặm/Thướt tha đuôi trĩ một màu/Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu/Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu”. Thời Nguyễn, đầu thế kỷ 19, khi Nguyễn Văn Siêu viết “Phương đình dư địa chí” có mô tả: “Sông Bạch Đằng ở địa giới huyện Yên Hưng, lại có tên là sông Vân Cừ, rộng 345 trượng (1380m), sâu 5 trượng (20m), núi cao, nước rộng, sóng gió ngất trời, thực là một nơi hiểm yếu”.
Bãi cọc tại Khu di tích Bạch Đằng Giang mô phỏng trận địa cọc cha ông ta sử dụng đánh giặc ngoại xâm.
Ảnh: Duy Thính
Về mặt tự nhiên, từ lâu sông Bạch Đằng nổi tiếng là một dòng sông lớn và hùng vĩ của đất nước. Năm 1835, triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng sai đúc 9 chiếc đỉnh bằng đồng lớn đặt trước Thế Miếu (còn gọi là Cửu Đỉnh); trên đó chạm khắc hình những núi sông tiêu biểu cùng với các khí vật, động vật, thực vật phong phú của đất nước. Hình tượng sông Bạch Đằng được khắc vào đỉnh Nghị là đỉnh đặt vào hàng thứ hai bên phải, chính giữa là đỉnh Cao. Năm 1850, triều Nguyễn cũng xếp sông Bạch Đằng vào loại sông lớn và cho ghi vào tự điển thờ cúng của đất nước.
Dưới góc độ giao thông đường thuỷ, sông Bạch Đằng giữ một vị trí quan trọng. Ngược sông Bạch Đằng lên sông Đá Bạc, vào Kinh Thầy đến sông Lục Đầu. Từ đây có thể đi đến các vùng thuộc đồng bằng và trung du Bắc bộ. Đặc biệt, từ cửa Bạch Đằng nhìn ra vịnh Bắc bộ là những đường biển nối liền giữa nước ta với Trung Quốc. Theo một số tư liệu của ngành hàng hải, người Trung Quốc ở các thời như: Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều cho rằng từ Quảng Đông, Quảng Châu – Trung Quốc qua cửa biển Bạch Đằng để vào nước ta được coi là con đường thuỷ gần nhất và tốt nhất. Trên thực tế, ngay từ thế kỷ 1, Mã Viện dẫn 2.000 quân mở thông con đường thuỷ ven biển này tiến vào đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Và trong suốt thời Bắc thuộc có nhiều thuyền buôn Trung Quốc vào buôn bán với Giao Châu.
Các bộ sử sách biên soạn vào triều Nguyễn như “Đại Nam nhất thống chí” hay “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đều có nhận định: “Sông Bạch Đằng là nơi có tiếng thứ nhất trong các chỗ xung yếu, các đời phần nhiều lập nên chiến công ở chỗ này và nước ta khống chế người phương Bắc, sông này là chỗ cổ họng”. Thực tế lịch sử cho thấy, quân và dân ta dưới sự chỉ huy của các vị anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo triệt để lợi dụng vị trí, địa thế, chế độ thuỷ triều của dòng sông Bạch Đằng 3 lần vùi xác những đội quân xâm lược hung hãn xuống lòng sông. Từ một dòng sông tự nhiên, bao la, hùng vĩ, Bạch Đằng đi vào lịch sử dân tộc như dòng sông của những chiến công oai hùng nhất trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Qua các thời kỳ lịch sử, sông nước Bạch Đằng chứng kiến 3 chiến công lớn: phá quân Nam Hán năm 938; diệt quân Tống năm 981 và đại phá quân Nguyên năm 1288. Đó cũng là những chiến công tiêu biểu cho truyền thống Bạch Đằng, biểu thị một cách tập trung nhất ý chí và sức mạnh của dân tộc, tài thao lược kiệt xuất của ông cha ta gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của các bậc anh hùng dân tộc – thiên tài quân sự Ngô Quyền – Lê Hoàn – Trần Hưng Đạo.
Chiến công lần thứ nhất diễn ra vào những ngày cuối mùa đông năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy đại phá quân xâm lược Nam Hán. Trước đó, năm 905, Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân ta vùng lên giành quyền độc lập dân tộc từ sự đô hộ của đế chế nhà Đường. Năm 930, nhà Nam Hán mở lại cuộc chiến tranh xâm lược nước ta và lật đổ chính quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ. Năm 931, Dương Đình Nghệ lãnh đạo nhân dân quét sạch sự xâm lược của nhà Nam Hán ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập.
Cuối năm 938, sau khi Dương Đình Nghệ bị tên phản bội Kiều Công Tiễn sát hại, nhà Nam Hán lại lợi dụng cơ hội phát động cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 2. Một lần nữa, đất nước lâm nguy và lực lượng dân tộc được tập hợp lại dưới lá cờ cứu nước của Ngô Quyền. Trước hết, ông tiêu diệt Kiều Công Tiễn để trừ mối hoạ bên trong, rồi huy động quân, dân cả nước khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến. Trên vùng cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền bố trí một trận địa cọc lớn nhằm nhử quân địch vào cạm bẫy rồi bao vây tiêu diệt toàn bộ. Ngày cuối đông năm 938, dòng sông Bạch Đằng nổi sóng căm thù cùng với quân, dân ta chôn vùi cả đoàn binh thuyền xâm lược của Lưu Hoằng Tháo, làm tiêu tan tham vọng xâm lược của nhà Nam Hán. Đại thắng Bạch Đằng năm 938, chấm dứt thảm hoạ mất nước kéo dài hơn nghìn năm dưới thời Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng rạng rỡ của dân tộc.
Chiến công lần thứ hai diễn ra trên sông Bạch Đằng vào cuối mùa xuân năm 981. Quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn tiêu diệt một đoàn binh thuyền nhà Tống. Triều Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập (980 – 1009) tuy tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng đã có công lớn xây đắp nền độc lập dân tộc. Trong đó, Lê Hoàn tổ chức và lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất bằng chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 981.
Năm 979, triều Đinh (968 – 979) gặp biến cố lớn. Tên phản bội Đỗ Thích sát hại Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn. Triều đình phải lập con thứ là Đinh Toàn mới sáu tuổi lên làm vua. Nội bộ vương triều xảy ra bè phái và xung đột. Các triều thần yêu nước cùng quân sĩ và được sự đồng tình của Thái hậu Dương Vân Nga suy tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua. Triều Tiền Lê mới thành lập phải đương đầu ngay với cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống. Nhà Tống huy động hai đạo quân thuỷ, bộ do Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ và Lưu Tường chỉ huy sang xâm lược nước ta. Đạo quân thuỷ của giặc Tống do tướng Hầu Nhân Bảo chỉ huy đi theo sông Bạch Đằng tiến vào nước ta. Tại đây, Lê Hoàn vận dụng kinh nghiệm của Ngô Quyền “đóng cọc ngăn sông”, bố trí trận địa diệt địch.
Trong trận đánh chặn đường xâm lược của nhà Tống qua đường sông Bạch Đằng, đội quân Lê Hoàn giành thắng lợi vang dội, làm tiêu tan ý đồ xâm lược của nhà Tống khi cánh quân xâm lược vào nước ta bằng đường thuỷ không thể hội quân với cánh quân đi theo đường bộ, tạo điều kiện cho quân dân ta đập tan mưu đồ xâm lược của nhà Tống.
Chiến công thứ ba trên sông Bạch Đằng diễn ra vào tháng 4 năm 1288 dưới sự lãnh đạo của Vương triều Trần và nhà lãnh đạo kiệt xuất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đại thắng Bạch Đằng năm 1288 tiêu diệt cả đoàn binh thuyền lớn của giặc, không những là trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến thứ 3 mà còn là võ công oai hùng kết thúc thắng lợi cuộc đối đầu quyết liệt giữa dân tộc ta và đế chế Nguyên Mông hung hãn hồi thế kỷ 13.
Như vậy, trên vùng sông nước Bạch Đằng qua các thời kỳ lịch sử, chứng kiến 3 chiến công lớn: phá quân Nam Hán năm 938; diệt quân Tống năm 981 và đại phá quân Nguyên năm 1288. Đó cũng là những chiến công tiêu biểu cho truyền thống Bạch Đằng, biểu thị một cách tập trung nhất ý chí và sức mạnh của dân tộc, tài thao lược kiệt xuất của ông cha ta gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của các bậc anh hùng dân tộc – thiên tài quân sự Ngô Quyền – Lê Hoàn – Trần Hưng Đạo. Đó là những chiến công nối tiếp chiến công để tạo nên truyền thống Bạch Đằng, kết tinh của truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, truyền thống cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc. Dòng sông trở thành nơi chôn vùi cuồng vọng xâm lăng của nhiều đạo quân khét tiếng.
1080 năm trôi qua kể từ khi Bạch Đằng phá quân Nam Hán; 1037 năm Bạch Đằng đập tan mưu đồ xâm lăng của nhà Tống và 730 năm Bạch Đằng diệt quân Nguyên Mông, dòng sông với những võ công hiển hách đó vẫn mãi mãi làm rạng rỡ non sông đất nước, mãi mãi âm vang khúc ca khải hoàn mang theo ước vọng về một cuộc sống độc lập, thanh bình.
Sông nước Bạch Đằng mênh mông và hùng vĩ đứng vững như một tượng đài chiến thắng mà lịch sử khắc hoạ lên đó hình tượng của đức vua Ngô Quyền, đức vua Lê Hoàn và vị tướng kiệt xuất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Những hình tượng đó từ ngàn xưa cho đến nay vẫn luôn lấp lánh soi bóng xuống dòng sông. Ngày nay, nước sông Bạch Đằng vẫn tiếp tục tuôn về biển cả, nhưng những chiến tích xưa cùng với tên tuổi những anh hùng thì mãi mãi sống với non sông đất nước, sống mãi trong lòng dân và lịch sử dân tộc như lời thơ Trương Hán Siêu trong “Phú sông Bạch Đằng”: “Sông Đằng một dải dài ghê/Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về biển Đông/Những người bất nghĩa tiêu vong/Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh”.
Nguyễn Văn Phương
(Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng)
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More