Print Thứ Bảy, 26/01/2019 19:37

Dịp tháng 7 tri ân đoàn công tác của thành phố tới thăm, viếng nghĩa trang tại miền Trung để bày tỏ tấm lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Dâng hương, dâng hoa tại các phần mộ liệt sĩ Hải Phòng an nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9.

Thể hiện trách nhiệm, tấm lòng biết ơn

Chuyến xe hành trình về “vùng đất lửa”, đến thăm những chiến trường một thời vô cùng ác liệt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị; đến Vũng Chùa viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất phát từ thành phố Cảng. Trong đoàn có người từng tới những vùng đất lịch sử nhiều lần, cũng có người tới lần đầu, nhưng các thành viên ai nấy đều mong sớm đến nơi để thắp những nén tâm hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ.

Những năm qua, thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố nhiều lần về “vùng đất lửa” tri ân nhưng người lính có thời chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ Quảng Trị năm nào khi đến các nghĩa trang liệt sĩ vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ về quá khứ và đồng đội. “Trong những ngày tháng ác liệt của chiến tranh, mỗi người lính chúng tôi đều mang trong mình quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Chiến tranh qua đi, nhiều đồng đội của tôi mãi mãi yên nghỉ trên các chiến trường. Hằng năm, tôi luôn tham gia hành trình tri ân để thăm viếng đồng đội, mong các đồng đội yên giấc trong lòng đất mẹ. Mỗi lần về chiến trường xưa, thăm lại đồng đội, tôi đều rất xúc động…”- thiếu tướng Lưu Xuân Cải nghèn nghẹn.

Bà Nguyễn Bích Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Minh Khai tâm sự: năm nay đơn vị tiếp tục được thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ chuẩn bị đồ lễ trong hành trình tri ân của đoàn. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm. Với tấm lòng biết ơn của cán bộ, người lao động doanh nghiệp đối với các liệt sĩ, chúng tôi cố gắng chuẩn bị đầy đủ, chu đáo nhất. Gần 1.000 bánh chưng xanh được gói, luộc chín từ thành phố Cảng, bảo quản và vận chuyển tới các địa điểm để dâng lên các phần mộ liệt sĩ; hơn 1.000 bông hồng từ các vườn hoa đẹp nhất trên địa bàn thành phố được nâng niu, mang tới Hà Tĩnh, Quảng Trị đặt trên mỗi phần mộ. Còn có: chè, thuốc lá, thuốc lào, bánh, kẹo…đều là những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của thành phố Cảng được dâng lên các anh hùng, liệt sĩ.


Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố trao kinh phí tặng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Nghẹn ngào nơi mảnh đất huyền thoại

Điểm đầu trên hành trình tri ân là nghĩa trang liệt sĩ Cầu Nhe, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), nơi 53 chiến sĩ Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Hải Phòng yên nghỉ sau trận bom Mỹ trút trúng đội hình khi các anh đang hành quân vào chiến trường miền Nam. Những người con ưu tú của đất Cảng đều đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi với hoài bão “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mãi mãi nằm lại vùng đất Can Lộc- nơi cửa rừng Trường Sơn huyền thoại. Cầu Nhe không chỉ là huyền thoại về những con người cụ thể mà trở thành tấm gương vì nước quên thân của hàng vạn chiến sĩ Trung đoàn 5 Hải Phòng từ quê hương ra đi vì nghĩa lớn. Ngày nay, nghĩa trang liệt sĩ Cầu Nhe trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” trên hành trình tri ân của nhân dân cả nước.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9 (tỉnh Quảng Trị), nơi đang chăm sóc hàng vạn ngôi mộ anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những ngày tháng 7- tháng tri ân, nơi đây luôn có hàng nghìn người dân khắp cả nước về dâng hương mỗi ngày. Mọi người đi thành đoàn, yên lặng chờ đợi đến lượt mình tới Đài liệt sĩ thắp nén tâm hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống để thế hệ hôm nay và mai sau có được cuộc sống bình yên. Sau khi hoàn thành nghi thức dâng hương, ai nấy tỏa ra cố gắng thắp đủ hương cho tất cả phần mộ.

Tháng 7, nghĩa tình của người dân cả nước cũng như thành phố Hải Phòng hướng về các anh hùng, liệt sĩ dâng hiến tuổi xuân bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong trận chiến 81 ngày đêm oai hùng, bảo vệ ngã ba Đồng Lộc- mảnh đất được mệnh danh là “tọa độ chết”, “túi bom” do đế quốc Mỹ thả xuống, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ: “Tất cả vì miềnNamruột thịt”, thanh niên xung phong, bộ đội chiến đấu với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, những mảnh đất này thấm đẫm bao xương máu những người con ưu tú Tổ quốc… Hướng mắt về phía sông Thạch Hãn, thiếu tướng Lưu Xuân Cải bồi hồi kể: “Ở con sông này, bao đồng đội của tôi đã nằm lại. Họ trẻ lắm, nhiều người còn chưa biết đến bàn tay con gái. Rồi ông đọc 4 câu thơ của tác giả Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”, khiến các thành viên trong đoàn không khỏi xúc động, mắt ai cũng đỏ hoe.

Trên hành trình tri ân, qua vùng đất Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…nơi từng bị bom đạn cày xới ngày nào các thành viên trong đoàn cảm nhận rõ sự đổi thay trong cuộc sống với màu xanh của hoa lá, cỏ cây ngút ngàn. Mỗi người thêm tự hào, biết ơn khi chứng kiến những hy sinh mất mát, hiểu thêm về giá trị của hòa bình. Và mỗi người đều hiểu, sự tri ân không dừng lại ở một chuyến đi, mà cần thực hiện thường xuyên bằng những nghĩa cử cao đẹp, hành động ấm áp nghĩa tình. Lòng biết ơn thế hệ cha anh không tiếc máu xương vì độc lập, tự do Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân sẽ là những hành động cụ thể, thiết thực góp sức xây dựng thành phố Cảng, đất nước ngày càng phát triển.

Văn Cường – Báo Hải Phòng 25/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2018) Tháng 7 về “vùng đất lửa” tri ân
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác