Ngày 7/9, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết hội đồng xét xử TAND TP Hải Phòng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Ngô Văn Phát cùng đồng bọn phạm tội “buôn bán trái phép hóa đơn” xảy ra tại Hải Phòng, tuyên phạt bị cáo Phát 24 tháng tù.
Theo nội dung bản án, từ tháng 3/2012, Ngô Văn Phát đứng ra thành lập Công ty CP thương mại Xăng dầu Phát (Công ty xăng dầu Phát) do mình làm chủ tịch hội đồng quản trị. Sau đó, Phát trực tiếp chỉ đạo nhân viên dưới quyền thành lập 22 “công ty ma” để bán tổng cộng 25.125 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền hơn 17.000 tỉ đồng, thu lợi bất chính về mình trên 161 tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Chỉ đạo thành lập loạt ‘công ty ma’ để bán hóa đơn
Nội dung cáo trạng xác định, từ tháng 3/2014, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty xăng dầu Phát đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền đứng ra thành lập hàng loạt “công ty ma“, tuyển người làm với mục đích hoạt động bán hóa đơn giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Ba nhân viên dưới quyền gồm các ông, bà Vũ Xuân Bẩy (71 tuổi, trú tại phường Đại Yên, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Nguyễn Thị Loan (32 tuổi, trú tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) và Lương Văn Giao (30 tuổi, trú tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã trực tiếp đứng ra thành lập, thuê người đứng tên tổng cộng 22 doanh nghiệp “ma” phục vụ cho mục đích nói trên.
Để vận hành hệ thống “công ty ma“, Ngô Văn Phát (57 tuổi, trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) còn sử dụng thêm ba nhân viên Công ty xăng dầu Phát, thuê hàng chục người khác làm nhân viên tổng hợp, kế toán, theo dõi sổ sách việc bán hóa đơn giá trị gia tăng.
Theo sự phân công của Phát, Vũ Xuân Bẩy có nhiệm vụ quán xuyến, chỉ đạo chung việc vận hành hệ thống doanh nghiệp “ma“. Nguyễn Thị Loan được Phát giao nhiệm vụ quản lý, điều hành các nhân viên là giám đốc các doanh nghiệp “ma“, quản lý tiền công, nợ bán hóa đơn giá trị gia tăng khống, trực tiếp giao dịch với khách hàng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng; trực tiếp hoặc phân công người khác viết hóa đơn mua bán hàng hóa khống, viết hóa đơn giá trị gia tăng khống, thu tiền mặt đưa lại cho Bẩy để người này chuyển cho Phát thông qua Giao.
Cơ quan điều tra xác định trong khoảng thời gian từ tháng 3/2014 đến tháng 8/2020 (thời điểm nhóm người này bị phát hiện, bắt giữ), nhóm người do Ngô Văn Phát cầm đầu đã bán tổng cộng 25.125 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng doanh số hàng hóa ghi khống là hơn 17.000 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Ngô Văn Phát được xác định đã thu lợi về cá nhân hơn 161 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng của Nhà nước.
Hợp thức hóa xăng, dầu ‘lậu’ trôi nổi
Theo bản án của TAND TP Hải Phòng, trong số hơn 17.000 tỉ đồng tiền hàng hóa khống được nhóm bị cáo Phát “đạo diễn“, có 271 tờ hóa đơn nhằm hợp thức hóa cho xăng dầu lậu, không nguồn gốc với tổng giá trị hàng hóa hơn 279 tỉ đồng cho chính Công ty xăng dầu Phát do Phát làm chủ.
Theo Phát khai báo, sở dĩ phải viết hóa đơn khống cho công ty này là do có cửa hàng mua bán xăng dầu và các cửa hàng thuộc công ty thường mua xăng, dầu trôi nổi trên thị trường nên phải viết hóa đơn đầu vào nhằm mục đích trốn thuế.
Bản án của TAND TP Hải Phòng cũng xác định Phạm Việt Tiệp (34 tuổi, trú tại phường Quán Trữ, quận Kiến An, TP Hải Phòng), là nhân viên quản lý hai cửa hàng xăng dầu của HTX Công ty thương mại Việt Phương; Nguyễn Thị Hoàng Anh là nhân viên quản lý HTX xí nghiệp thương mại Việt Đức (đều có trụ sở tại TP Hải Phòng) đã mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường rồi tìm đến nhóm của Phát để mua hóa đơn, hợp lý hóa đầu vào cho lượng xăng dầu này.
Ngoài ra, Ngô Văn Phát còn chủ động liên hệ với Trần Thị Phúc (trú tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), là chủ của hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, để bán hóa đơn khống cho Phúc.
Phúc sau khi mua được hóa đơn khống từ Phát lại đem bán lại cho một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để hưởng chênh lệch từ 1,5-2% số tiền ghi trên hóa đơn.
Sau quá trình xét hỏi cũng như căn cứ các tài liệu trong vụ án, hội đồng xét xử đánh giá bị cáo Ngô Văn Phát là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo toàn bộ hoạt động phạm tội, thu lợi hơn 161 tỉ đồng nên tuyên phạt bị cáo Phát mức án 24 tháng tù cho tội “mua bán trái phép hóa đơn“.
Ngoài ra, bị cáo Phát đã nộp được hơn 26,5 tỉ đồng khắc phục hậu quả, vẫn còn hơn 135 tỉ đồng phải khắc phục nên tòa “lâu đài” của bị cáo này trên đường Lê Hồng Phong, quận Hải An vẫn được kê biên để đảm bảo thi hành án.
Có 5 bị cáo khác giữ vai trò đồng phạm trong vụ án phải lãnh mức án từ 12-20 tháng tù cho cùng tội danh “mua bán trái phép hóa đơn” và 5 người còn lại trong vụ án bị phạt tiền về tội “mua bán trái phép hóa đơn“.
Hội đồng xét xử cũng nhận định, đối với việc sử dụng hóa đơn của các “công ty ma” nhằm hợp thức hóa số lượng xăng dầu cho chính Công ty xăng dầu Phát với số tiền trốn thuế lên đến 27 tỉ đồng có dấu hiệu trốn thuế. Tuy nhiên, do bị cáo Phát đã chịu tình tiết định khung “gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 100 triệu đồng” tại tội danh “mua bán trái phép hóa đơn” nên không bị xem xét trách nhiệm tội trốn thuế.
Hai giám đốc, kế toán là Vũ Xuân Bẩy và Nguyễn Thị Loan của Công ty xăng dầu Phát, là đồng phạm tích cực trong vụ án được Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra thêm tội “trốn thuế” là phù hợp quy định pháp luật.
Tiến Thắng