Print Thứ tư, 27/03/2019 10:06

Sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về hướng xử lý 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương. Tại lần họp trước, Bộ Công Thương đã đề nghị xem xét đưa một số dự án đã hoạt động trở lại ra khỏi “danh sách đen” này. “Lần họp này sẽ xem xét dự án nào có thể đưa ra được” – Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá về các dự án thuộc PVN, Phó Thủ tướng nhận định “đường hướng tương đối tốt và cảm thấy khá yên tâm”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định ngoài những khó khăn cơ bản thì còn 2 trở ngại lớn nhất là việc đưa ra các cơ sở pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC.

“Nếu vấn đề này không giải quyết sớm thì rất khó khăn, càng kéo dài càng khó khăn. Giờ chắc phải theo thông lệ quốc tế thôi. Không thể để mãi như vậy” – Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá về chuyển biến của các 12 dự án, Phó Thủ tướng cho rằng “có rất nhiều tích cực, nhất là từ phía PVN đã hoạt động rất tích cực, quyết tâm và có những hiệu quả ban đầu. Hiện nhiều dự án đã quay lại hoạt động”.

Tuy nhiên, khó khăn chưa phải là đã hết vì dù đã hoạt động lại song chi phí khấu hao quá lớn, các đơn vị không có khả năng trả nợ khoản vay nên vẫn cần phải chỉ ra phương án tháo gỡ. Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo đại diện các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng Công ty cần phải nói thẳng, rõ ràng, tập trung vào từng vấn đề.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh cho biết, theo kế hoạch được giao để thực hiện tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, tổng cộng có 98 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty để triển khai thực hiện.Trong đó, có 69 nhiệm vụ phải hoàn thành trong giai đoạn 2017 – 2019.

Cho đến nay chưa được một nửa các nhiệm vụ được hoàn thành (47/98 nhiệm vụ), trong 22 nhiệm vụ chưa hoàn thành có tới 18 nhiệm vụ đã quá thời hạn.

Các nhiệm vụ chưa hoàn thành và quá hạn tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm : Xử lý dứt điểm vướng mắc quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án; cơ cấu lại các khoản nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi xuất vay, xây dựng phương án thoái vốn.

Dẫn đầu các đơn vị còn “thiếu nợ” chưa giải quyết xong các nhiệm vụ của mình là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 11 nhiệm vụ tại: Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước; Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ.

Tuy nhiên, đại diện PVN cho biết, tới thời điểm hiện tại, đơn vị chỉ còn “nợ” 6 nhiệm vụ quá hạn mà thôi.

Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và TCty Thép Việt Nam cũng đang “nợ đọng” 6 nhiệm vụ để xử lý các tồn tại. Về các bộ ngành, hiện chỉ còn chờ báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra tại 2 dự án Nhà máy đạm Hà Bắc và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên của Thanh tra Chính phủ .

Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương: (1) Nhóm 04 dự án đầu tư sản xuất phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và DAP số 2 – Lào Cai; (2) Nhóm 03 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH): Nhà máy NLSH Quảng Ngãi, nhà máy NLSH Phú Thọ và nhà máy NLSH Bình Phước; (3) Nhóm 02 dự án đầu tư sản xuất thép: Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên; (4) Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); (5) Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); (6) Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

Đức Thành
Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Họp Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác