Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đại hội đảng các cấp tham gia vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Phiên họp trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 sáng 13/10, đồng chí Cao Xuân Liên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc Thành ủy tổ chức tốt việc thảo luận, lấy ý kiến tham gia của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đại hội đảng bộ các cấp vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Qua tổng hợp, đã có hơn 87.950 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó tại đại hội các chi, đảng bộ và 35 đảng bộ trực thuộc Thành ủy có hơn 13.208 lượt ý kiến của đại biểu đại hội tham gia góp ý.
Đa số ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung và đánh giá các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc với nội dung toàn diện và sâu sắc. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng, chỉ tiêu có tính liên tục, kế thừa, tiên tiến, đột phá cho phát triển từng giai đoạn và xuyên suốt đến năm 2045, thể hiện tầm cao trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Trung ương và Tiểu ban Văn kiện Đại hội.
Về chủ đề của Đại hội, hầu hết ý kiến nhất trí và cho rằng, chủ đề đã thể hiện cách nhìn toàn diện, với quyết tâm cao trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: Các ý kiến cho rằng, đánh giá về kết quả đạt được như dự thảo là khái quát, đầy đủ, chính xác, phản ánh khách quan sự phát triển của đất nước và những thành tựu to lớn đạt được trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị bổ sung tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm; cần đánh giá sâu sắc về thành tựu trong công tác chống tham nhũng, vì đây là thành tựu nổi bật những năm cuối nhiệm kỳ, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền. Đối với những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, các ý kiến cơ bản nhất trí với 7 hạn chế, khuyết điểm và 4 nguyên nhân chủ quan; đánh giá cao tinh thần tự phê bình, phê bình sâu sắc, thẳng thắn của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Về tầm nhìn và định hướng phát triển, hầu hết các ý kiến cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát dự thảo đã khái quát đầy đủ, cả mục tiêu trước mắt và mục tiêu mang tính chiến lược. Tuy nhiên, về các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, có một số ý kiến đề nghị cần điều chỉnh nâng chỉ tiêu tỷ lệ số khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường từ 92% lên 100%; tập trung đầu tư phát triển những ngành công nghiệp có tính nền tảng, có lợi thế so sánh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, có ý nghĩa với sự phát triển nhanh, bền vững đất nước; tiếp tục quan tâm đến chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non; cần xây dựng các công cụ để kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên đất, nước; có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và rác thải tái chế…
Về dự thảo báo cáo tổng kết Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, hầu hết ý kiến nhất trí và đánh giá dự thảo Báo cáo và cho rằng, nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức Đảng đặc biệt quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.
Một số kiến nghị, đề xuất Trung ương chỉ đạo sớm xây dựng bộ tiêu chí cụ thể: Cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; trở thành nước công nghiệp hiện đại; nước có thu nhập trung bình cao, thu nhập cao, để từ đó xác định lộ trình, mục tiêu cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; làm rõ nội hàm “đô thị văn minh”, xác định bộ tiêu chí cụ thể để phấn đấu đạt được mục tiêu đó; nghiên cứu, cho triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị để tạo tính năng động, sáng tạo; khẩn trương tổ chức thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng bằng pháp luật….