Print Thứ Bảy, 26/01/2019 19:13

“Tôi rất ấn tượng với cách làm của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hải Phòng khi nhiều năm liên tục duy trì hội thi thiếu nhi tuyên truyền kể chuyện sách, báo vào mỗi dịp hè, tạo sân chơi bổ ích giúp các em nhỏ nhận thức được sự cần thiết, tầm quan trọng của việc đọc, học và làm theo sách, báo” – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới khẳng định như vậy khi dự hội thi năm 2018 với chủ đề “Hải Phòng, mảnh đất, con người và huyền thoại”.

Tiết mục “Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán” của đội tuyển đại diện quận Ngô Quyền.

Cơ hội hóa thân thành các nhân vật lịch sử

 “Biển Đông sóng dậy tướng bà/Xả thân vì một sơn hà Việt Nam/Thánh Chân công chúa hiên ngang/Tấm gương liệt nữ sử vàng vinh danh”. Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp đánh giặc giữ nước, lập nên mảnh đất An Biên của Nữ tướng Lê Chân đi vào huyền thoại và in dấu trong những trang thơ. Tác phẩm “Trưng Vương và các nữ tướng” của nhà văn Vũ Thanh Sơn, do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành thể hiện rõ điều đó…”. Giọng của em Nguyễn Khánh Chi, tuyên truyền viên đội “Hoa Phượng” đến từ quận Lê Chân với tiết mục dự thi “Thánh Chân nữ tướng” lảnh lót vang lên giữa sân khấu Nhà hát thành phố. Ở tiểu phẩm này, ngoài Khánh Chi đóng vai trò là người dẫn truyện, các bạn nhỏ khác nhập vai Nữ tướng Lê Chân, thái thú Tô Định, quân sĩ, trong đó thể hiện nổi bật nhân vật Nữ tướng Lê Chân có nhan sắc, giỏi võ nghệ, lại có tài thơ phú. Về nhân vật mà các bạn mình hóa thân, Khánh Chi cho biết: “Mỗi lần diễn ra Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, chúng em đều được cô giáo đưa đến xem lễ rước và nhìn thấy Nữ tướng tay cầm kiếm, oai nghiêm đứng trên kiệu nên xem có thuận lợi khi kể chuyện hay nhập vai”.

Trong không khí sôi nổi của hội thi, đội tuyển đến từ Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Ngô Quyền) kể lại câu chuyện trong cuốn sách “Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. 8 thành viên của đội, người trong vai Ngô Vương Quyền, người trong vai tướng quân Nguyễn Tất Tố, ông già Gia Viên, tên tướng giặc Hoằng Tháo… Chỉ trong 15 phút ngắn gọn, bằng lời dẫn truyện và diễn minh họa, đội đại diện quận Ngô Quyền mô tả trận thủy chiến ác liệt trên sông Bạch Đằng cách đây tròn 1080 năm, tiêu diệt hơn 500 chiến thuyền của quân Nam Hán, tướng giặc Hoằng Tháo bị vùi xác dưới dòng sông, đập tan dã tâm xâm lược của giặc phương Bắc. Cảm hứng từ câu chuyện các trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng cũng được đội tuyển quận Kiến An và Hải An lựa chọn thể hiện.

Lấy câu chuyện một Việt kiều về thăm quê, đội tuyển Trường tiểu học Thanh Sơn (huyện Kiến Thụy) khéo léo kể “Gương sáng Phạm Ngọc Đa”, trích trong tập “Mặt trời quê hương” của nhà văn Xuân Sách, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Vai anh hùng nhỏ tuổi Phạm Ngọc Đa, người con của quê hương Tiên Lãng hay tên lính Pháp Pa Phay được hai thành viên đội tuyển khắc họa sinh động. Câu chuyện “Gương sáng Phạm Ngọc Đa” cũng được các đội quyển của quận Hồng Bàng, Tiên Lãng thể hiện trôi chảy…

Lan tỏa phong trào đọc, học và làm theo sách, báo

Hồi hộp theo dõi phần thi của đội tuyển huyện mình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Kiến Thụy Vũ Duy Hiếu cho biết: “Vì hoạt động thành nếp nên việc huy động các trường tiểu học trên địa bàn huyện tham gia hội thi cấp huyện để lựa chọn đội xuất sắc dự thi cấp thành phố không quá khó khăn. Tuy nhiên, việc lựa chọn câu chuyện trong tác phẩm sách, báo nào để bám sát chủ đề “Hải Phòng, mảnh đất, con người và huyền thoại” và xây dựng kịch bản, hình thức thể hiện mới, khác biệt so với các năm trước khiến chúng tôi băn khoăn. Trong thời gian ngắn, các em học sinh Trường tiểu học Thanh Sơn chăm chỉ đọc sách, báo, tìm kiếm thông tin tài liệu về anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Đa nên tái hiện thành công hình ảnh nhân vật trên sân khấu”.

Là địa phương có phong trào thư viện trường học phát triển mạnh của thành phố, trong dịp hè, huyện Thủy Nguyên khuyến khích các trường học mở cửa thư viện, phục vụ các cháu thiếu nhi đến đọc và mượn sách, báo. Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Thủy Nguyên Phùng Văn Mạnh: “Ngoài sách, báo các trường tự trang bị, Trung tâm cũng luân chuyển sách, báo thường xuyên xuống cơ sở để các cháu có sách, báo mới đọc. Đây là lý do hội thi thiếu nhi tuyên truyền sách, báo hè năm 2018 của huyện diễn ra thành công tốt đẹp, với nhiều tiết mục xuất sắc. Cũng do làm tốt từ cấp cơ sở, với tiết mục đi thi cấp thành phố, chúng tôi chỉ góp ý chút ít, các cháu diễn khá tự nhiên”.

Chứng kiến các hoạt động của hội thi, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới đánh giá, so với các tỉnh, thành phố khác, Hải Phòng duy trì được hai hoạt động thư viện điểm nhấn. Ngoài việc là một trong những địa phương trong cả nước khởi phát phong trào “Sách đi tìm người” kể từ những năm 60, 70 của thế kỷ 20, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hải Phòng là địa phương duy trì liên tục hội thi thiếu nhi tuyên truyền sách, báo hè và trở thành mô hình điểm để thư viện các tỉnh, thành phố khác đến tham quan, học tập. “Chính các hoạt động điểm nhấn ý nghĩa này là mạch nguồn duy trì, nhân rộng văn hóa đọc trong đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ người dân thành phố, khiến họ thêm yêu truyền thống tốt đẹp của quê hương và có trách nhiệm chung tay xây dựng thành phố”.

Bài và ảnh: Đông Hải – Báo Hải Phòng 07/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội thi thiếu nhi tuyên truyền kể chuyện sách, báo hè năm 2018  Cách làm hay để nhân rộng văn hóa đọc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác