Print Thứ Bảy, 26/01/2019 19:26

Ngày 22-8, tại Trung tâm hội nghị thành phố, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo: “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước”. Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 32 của Bộ Chính trị (khóa 9) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng  về xây dựng Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết NQ 32; Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng BCĐ Trung ương về tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32 đồng chủ trì.

Cùng dự có các đồng chí thành viên BCĐ Trung ương; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; các Bộ, ngành Trung ương; thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; các chuyên gia, các nhà khoa học trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; thành viên tổ biên tập trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng; lãnh đạo một số ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố… 

Rõ thành tựu, hạn chế; đề xuất định hướng phát triển

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh: 15 năm qua, NQ 32 luôn là nền tảng định hướng để Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng hoạch định đường lối, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường QPAN, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. 15 năm qua, dưới ánh sáng của NQ 32, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đưa Hải Phòng đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trên nền tảng những thành tựu đạt được của các nhiệm kỳ trước, Hải Phòng có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Những mục tiêu, định hướng chủ yếu trong NQ 32 của Bộ Chính trị cơ bản đã và đang được thực hiện thành công, mang lại sự đổi thay to lớn cho thành phố Cảng. Hải Phòng ngày càng phát huy vai trò là một động lực kinh tế của các tỉnh phía Bắc.

 

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, những thành tựu 15 năm qua, bên cạnh sự cố gắng của thành phố không thể tách rời sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, cùng sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và sự đóng góp quan trọng của các nhà khoa học tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng và đất nước.

 

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Duy Thính               

Tuy nhiên, Thành ủy Hải Phòng tự đánh giá, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả thực hiện NQ 32 còn một số hạn chế. Mục tiêu hoàn thành CNH- HĐH trước năm 2020 khó đạt được. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, một số dự án, công trình ghi trong NQ 32 nhưng đến nay chưa được triển khai hoặc tiến độ còn chậm; hiệu quả quản lý Nhà nước một số lĩnh vực chưa cao; cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hải Phòng chậm ban hành; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố…

 

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, trong hoàn cảnh mới của đất nước và thành phố, vai trò, vị trí đặc biệt của Hải Phòng cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa, để Hải Phòng khẳng định vững chắc là trung tâm giao thương quốc tế, một cực tăng trưởng, một động lực phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32, BCĐ đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Thành ủy Hải Phòng đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu cho các giai đoạn từ nay tới năm 2045, đề xuất một số kiến nghị rất quan trọng để Bộ Chính trị nghiên cứu, xem xét đưa vào nội dung của nghị quyết mới về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng. Đồng chí Bí thư Thành ủy tin tưởng, qua hội thảo, BCĐ đề án tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32 của Bộ Chính trị và Thành ủy Hải Phòng sẽ nhận được những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc về đánh giá kết quả, những hạn chế, tồn tại, nhất là những kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện NQ, đặc biệt là góp ý với những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH cũng như các nội dung kiến nghị với Bộ Chính trị trong việc ban hành nghị quyết mới về Hải Phòng.

 

Báo cáo đề dẫn hội thảo do đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề cập sâu hơn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai NQ 32; kết quả; hạn chế, nguyên nhân; dự báo bối cảnh, thách thức; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương  cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới quá trình tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32 của Bộ Chính trị dành cho Hải Phòng. Vì điều kiện công việc, Thủ tướng không về dự hội thảo được nhưng đã tự tay viết một số vấn đề thể hiện  mong muốn của Thủ tướng. Được sự ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, nêu rõ: Thủ tướng đánh giá rất cao những thành tựu, sự  nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng trong 15 năm thực hiện NQ 32, đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Thủ tướng mong muốn hội thảo tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện kết quả đạt được, trên cơ sở đó nhận diện những hạn chế, yếu kém và quan trọng là định vị một cách chính xác Hải Phòng trong giai đoạn sắp tới, Hải Phòng trong mối tương quan với cả khu vực, cả nước và Hải Phòng trong kết nối quốc tế.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, 15 năm thực hiện NQ 32, Hải Phòng đạt những kết quả rất ấn tượng. Việc tổng kết 15 năm thực hiện NQ cần đánh giá đầy đủ, đúng mức thành tựu, kết quả, qua đó khẳng định rõ nét NQ đã đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Các hạn chế, tồn tại cũng cần được nhận diện rõ ràng, cụ thể, chỉ rõ nguyên nhân tại sao, do NQ chưa phù hợp hay do cách tổ chức thực hiện để có giải pháp khắc phục hữu hiệu trong nghị quyết mới. Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, mục tiêu tổng kết là để xây dựng nghị quyết mới của Bộ Chính trị cho Hải Phòng, xuất phát từ quan điểm: phát triển Hải Phòng không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước. Do đó, cần xây dựng những định hướng phù hợp, có tầm nhìn với những mục tiêu cụ thể, chỉ ra cho được đâu là những ưu tiên trọng điểm phát triển của Hải Phòng trong những năm tới. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương gợi mở một số vấn đề như: Hải Phòng có thể đặt mục tiêu hoàn thành CNH- HĐH trước năm 2025; tập trung phát triển công nghiệp, xây dựng cơ cấu kinh tế hài hoà giữa công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên cao cho mục tiêu xây dựng trung tâm logistics lớn nhất của miền Bắc, sau đó mới là các trung tâm du lịch; trung tâm tài chính ngân hàng… Đồng chí mong muốn, hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm của Hải Phòng hiện nay và nhiều năm tới, góp thêm những đề xuất cụ thể để Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế, là động lực phát triển của cả vùng…

 

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

 

Trong 1 ngày làm việc, hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý của Trung ương và thành phố  về kết quả, những điểm hạn chế trong thực hiện NQ 32 và đề xuất, gợi mở một số định hướng phát triển Hải Phòng trong thời gian tới.

 

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, phần thành tựu, kết quả của Hải Phòng khá rõ nhưng cần nhận diện những vấn đề tồn đọng để từ đó có giải pháp trong thời gian tới. Theo ông Trần Đình Thiên, sau 15 năm, đô thị Hải Phòng phát triển khá nhanh, tổng diện tích đất đô thị tăng 15 lần nhưng dân số thành phố tăng chưa tương ứng, đúng hơn là tăng chậm, chưa tạo được sức hấp dẫn thu hút dân cư của một đô thị đang trỗi dậy mạnh. Cùng với đó, quy mô kinh tế, tỷ trọng vốn huy động của Hải Phòng tăng khá nhanh nhưng vẫn chậm hơn một số địa phương. Công nghiệp đạt được những thành tựu quan trọng nhưng Hải Phòng vẫn chưa thực sự trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, có sức cạnh tranh quốc tế cao. Phát triển cảng biển; hàng không; quy hoạch phát triển đô thị; khoa học công nghệ … cũng đều có những vấn đề đặt ra… Chỉ rõ nguyên nhân, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, thời gian tới cần nhận thức rõ hơn về lợi ích quốc gia trong việc dành ưu tiên chiến lược cho phát triển Hải Phòng; làm rõ tầm nhìn Hải Phòng trong thời đại mới; khẩn trương thể chế hóa các tư tưởng nghị quyết của Đảng; khẩn trương nghiên cứu để trao cho Hải Phòng một số cơ chế chính sách đặc thù để chủ động giải quyết các vấn đề của một trung tâm phát triển được Trung ương ưu tiên đầu tư và giao trọng trách lớn.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Khoa kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao, Hải Phòng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nên những năm tới cần khai thác mạnh mẽ hơn nữa, biến thành nguồn lực để phát triển. Kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nêu lên các ý tưởng phát triển Hải Phòng từ bài học kinh nghiệm quy hoạch Xin- ga- po, từ đó đề ra ý tưởng phát triển hệ thống cấu trúc 4 đô thị cho Hải Phòng gồm đô thị trung tâm; đô thị cảng; đô thị sân bay; đô thị du lịch. Tất cả các đô thị trên được liên kết bởi hạ tầng bền vững để nắm bắt được cơ hội phát triển, xây dựng thành phố Cảng thông minh và sáng tạo, một thành phố biển xanh và thân thiện.

 

TS Ngô Duy Ngọ, nguyên Phó giám đốc Học viện Ngoại giao đề xuất Hải Phòng nên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên tập trung vào ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến… Cụ thể là phát triển trung tâm logistics; kêu gọi các nguồn lực đầu tư; tập trung phát triển hạ tầng; phát huy thế mạnh về du lịch; tập trung đào tạo nghề…

 

Đồng chí Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Hải Phòng cần có các giải pháp thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nơi; xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố đáng sống và cần nhất là trung ương tạo điều kiện, ban hành cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy cho Hải Phòng.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cơ bản thống nhất với các nội dung tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32 và cho rằng, thế mạnh của Hải Phòng chính là biển nên trong nhiều năm tới rất cần tập trung đầu tư để Hải Phòng  trở thành trung tâm hàng hải của miền Bắc, kinh tế hàng hải sẽ là mũi nhọn… Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề xuất: trong những năm tới, Hải Phòng phải lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để phát triển, tìm ra đúng trụ cột kinh tế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Theo ông Nguyễn Thanh Long, nên tập trung vào công nghiệp và dịch vụ logistics đồng thời ưu  tiên, có sự quan tâm thích đáng đối với khoa học công nghệ, y tế, giáo dục…

 

Theo đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, thế mạnh đặc trung của Hải Phòng là cảng biển và các tỉnh trong khu vực rất mong muốn mở rộng hơn nữa tính liên kết vùng trong lĩnh vực này để cùng kéo nhau phát triển nhanh, mạnh và vững chắc…

 

Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, những nghiên cứu sâu sắc về mô hình phát triển kinh tế của Hải Phòng để cùng đề xuất với Bộ Chính trị những định hướng, những cơ chế chính sách phù hợp nhất, đưa Hải Phòng  phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

 

Lấy quan điểm phát triển Hải Phòng vì cả khu vực và cả nước là cốt lõi

 

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương  nhấn mạnh một lần nữa quan điểm: phát triển Hải Phòng không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước; Hải Phòng vì cả khu vực, vì cả nước nhưng cả khu vực, cả nước cũng phải vì Hải Phòng.

 

Từ quan điểm đó, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phân tích kỹ hơn những điểm mạnh, điểm yếu về thành tựu của Hải Phòng trong 15 năm thực hiện NQ 32, đặc biệt là những hạn chế, những việc chưa làm được để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Về định hướng phát triển, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu phải xác định được đúng mũi nhọn, trọng tâm, trọng điểm, phải định  hình được Hải Phòng trong tương lai, trong mối tương quan với khu vực và cả nước. Cụ thể, cần tập trung phát huy lợi thế về kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế đất liền của các tỉnh trong khu vực với phát triển kinh tế biển của Hải Phòng. Từ đó chỉ ra công nghiệp của Hải Phòng là gì, đâu là mũi nhọn công nghiệp. Về dịch vụ, cũng cần xác định rõ mũi nhọn ưu tiên  mà cụ thể là  dịch vụ cảng biển, dịch vụ logisticcs… Các loại dịch vụ khác cũng tương tự như vậy nhưng phải có bản sắc của Hải Phòng, nhất là du lịch, y tế, giáo dục… Về nông nghiệp, theo đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tỷ trọng của Hải Phòng chỉ còn  6% nhưng “phi nông bất ổn”, phần lớn dân số đang sinh sống ở nông thôn nên cần đặc biệt coi trọng, quan tâm tới nông nghiệp nông thôn nông dân, coi đây là bà đỡ quan trọng cho phát triển KTXH…

 

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả và khẳng định hội thảo thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, rất tâm huyết, trách nhiệm, tất cả đều mong muốn Hải Phòng tiếp tục phát triển hơn nữa. Nhìn lại 15 năm qua, Hải Phòng đạt được thành tựu to lớn, trong những năm gần đây bứt phá rất mạnh mẽ. Đây là kết quả mà các thế hệ lãnh đạo Hải Phòng qua các thời kỳ và các tầng lớp nhân dân dày công thực hiện, đặc biệt, trong giai đoạn gần đây đã rất nỗ lực nắm bắt được cơ hội, năng động, sáng tạo trên nền tảng đã có, đưa Hải Phòng cất cánh. BCĐ Trung ương về xây dựng đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết NQ 32 sẽ chắt lọc, tiếp thu  các ý kiến tại hội thảo để đưa vào nghị quyết mới, xây dựng được định hướng phát triển đúng với vị thế của Hải Phòng.

 

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý, thời gian còn lại để trình Bộ Chính trị về đề án không nhiều. Do vậy, BCĐ Trung ương và Thành ủy; tổ biên tập Trung ương và thành phố cần hết sức nỗ lực, trên tinh thần góp ý của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề án; làm việc quyết liệt, khẩn trương nhưng nghiêm túc, chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Đồng chí tin tưởng, với tinh thần thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, với sự nỗ lực của Hải Phòng; sự quan tâm của Trung ương, các nội dung tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32 sẽ được hoàn thiện, bảo đảm chất lượng cao nhất trình Bộ Chính trị, để sau đó có được một Hải Phòng đúng vị thế, đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của Trung ương và nguyện vọng của người dân thành phố.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, đồng chí  Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nêu rõ: sau một ngày làm việc tích cực và sôi nổi, hội thảo  thành công tốt đẹp. Các đại biểu dự hội thảo, với tầm nhìn và sự trải nghiệm, cùng kiến thức sâu rộng đã có những phát biểu rất sâu sắc, rất tâm huyết đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, hội thảo được nghe truyền đạt sự quan tâm và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị.  Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xin tiếp thu toàn bộ ý kiến phát biểu đó và sẽ tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

 

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh: Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng  rất trân trọng và cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các đại biểu về những thành tích, cũng như những hạn chế của Hải Phòng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị. Những đánh giá khách quan tại hội thảo về kết quả tích cực, những nỗ lực đổi mới mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đạt được là nguồn động viên, khích lệ toàn hệ thống chính trị cùng quân, dân thành phố tiếp tục phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các chương trình, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đã đề ra. Hải Phòng đánh giá cao các ý kiến gợi mở, cũng như các kiến nghị, đề xuất cụ thể của đại biểu, nhất là sự thống nhất rất cao quan điểm: “Hải Phòng phát triển không chỉ cho riêng mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung của các địa phương trong cả nước”.  Đồng thời, đã đạt được sự thống nhất đề nghị Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới về xây dựng, phát triển Hải Phòng từ nay tới năm 2045, đề nghị Trung ương  tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, phù hợp với những diễn biến mới của tình hình trong nước và quốc tế. Trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền Hải Phòng là đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, để Hải Phòng sớm khẳng định vững chắc là trung tâm giao thương quốc tế, một cực tăng trưởng, một động lực phát triển kinh tế – xã hội của miền Bắc và  cả nước. Thành ủy Hải Phòng thấy rằng, sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng luôn luôn cần sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý trên cả nước và luôn mong chờ nhận được những ý kiến đóng góp để giúp cho Hải Phòng đổi mới hơn nữa, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với sự tin cậy của Trung ương và mong muốn của nhân dân thành phố.

Báo Hải Phòng 23/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội thảo xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước:  Làm rõ quan điểm phát triển Hải Phòng vì cả khu vực và vì cả nước
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác