Sáng 14/10, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành Logistics”, do Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Hội Vô tuyến điện tử và Tin học tổ chức tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Tới dự Khai mạc Hội thảo có sự hiện diện của Bà Phạm Thị Sen Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; tiến sĩ Đặng Văn Hưng, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử và Tin học Hải Phòng; tiến sĩ Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch hội tự động hóa; ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng; ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển KH-CN và Đổi mới sáng tạo (ISC).
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Bà Phạm Thị Sen Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Ngày 02/8/2021, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025,2030 và tầm nhìn đến năm 2045”
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng phát biểu những vấn đề trọng tâm về thực trạng và định hướng công tác quản lý vận tải hàng hóa gắn với hoạt động logistics của thành phố Hải Phòng đến năm 2030.
Tiếp đó, Bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển và ứng dụng phần mềm Bách Khoa trình bày chuyên đề “Chuyển đổi số thời Covid-19 với các giải pháp quản trị cho doanh nghiệp vận tải”.
Tại Hội thảo, rất nhiều chuyên đề đã được trình bày như: “Phần mềm quản lý vận tải tối ưu TTS SOFT” của Công Ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Tokyo; “Giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp vận tải và logistics” của Khối Giải pháp Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC; “Giải pháp AGV STI và Smart rack tối ưu hệ thống kho bãi trong ngành Logistics” của Công ty TNHH DV&TM Giải pháp kỹ thuật Công nghiệp VN; “Giải pháp quản lý kho vận Smart Inventory” của Công ty TNHH công nghệ và dịch vụ viễn thông Nam Việt…
Những hoạt động bên lề Hội thảo cũng thu hút được đông đảo đại biểu tham quan và tìm hiểu. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm những giải pháp nhằm số hóa dữ liệu về các đơn vị logistics; tổng hợp, kết nối nhu cầu về vận tải, sử dụng dịch vụ logistics với khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ của các đơn vị logistics nhằm giảm thời gian chờ đợi, khắc phục tình trạng phương tiện vận tải chạy rỗng một chiều, từ đó giảm giá thành vận tải; cung cấp giải pháp về bảo lãnh điện tử, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử nhằm tạo thuận lợi trong giao dịch giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và đơn vị sử dụng dịch vụ.
Hội thảo “Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành Logistics” là cơ hội để tất cả các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, những cơ hội và thách thức, giúp các tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp đột phá trong từng khâu của chuỗi cung ứng nói chung và logistics nói riêng trên nền tảng công nghệ số, đồng thời giúp doanh nghiệp cung cấp các giải pháp, công nghệ trong lĩnh vực Logistics tiếp cận thị trường Hải Phòng; đồng thời khuyến nghị một số giải pháp, cơ chế, chính sách về đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.