Sáng 30/11, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá cho Hải Phòng. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ và ThS. Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có các nhà khoa học, lãnh đạo sở, ngành và các đơn vị liên quan.
Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Chú trọng đầu tư phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Hải Phòng”.
Cũng theo Nghị quyết 45-NQ/TƯ, dựa trên quan điểm chỉ đạo đó, đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh nội dung sau: Nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho thành phố Hải Phòng, đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, tài chính-ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…
Theo tinh thần của Nghị quyết số 45/NQ/TW của Bộ Chính trị, tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các báo cáo: Tiềm năng, lợi thế và cơ hội thực hiện cơ chế, chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá cho Hải Phòng; Kinh nghiệm áp dụng cơ chế, chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá ở địa phương: Bài học và đề xuất cho Hải Phòng; Hải Phòng tâm thế mới-Lựa chọn mới; Xây dựng cơ chế đặc thù (đặc biệt) để phát triển Hải Phòng-Một số gợi mở ban đầu về cách tiếp cận…
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, gợi mở cách tiếp cận các vấn đề về cơ chế đặc thù để phát triển Hải Phòng thành một trung tâm công nghiệp dịch vụ (logistics) của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một trọng điểm kết nối lưu chuyển hàng hóa của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền Nam Trung Quốc, một hải cảng có năng lực cạnh tranh quốc tế cao, là một thành phố thông minh, đáng sống.
Phát biểu tại Hội thảo, Thạc sĩ Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố nhấn mạnh: cơ chế, chính sách chính là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động tổ chức, điều hành và quản lý xã hội, trong việc giải quyết các vấn đề bức bách của xã hội hiện nay. Hiệu quả của việc giải quyết các vấn đề thuộc cơ chế, chính sách không những góp phần tích cực tạo nên sự ổn định, phát triển lành mạnh các mối quan hệ xã hội mà nó còn thúc đẩy sự phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, lâu dài. Hội thảo là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết và khả năng thực hiện cơ chế chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá và cơ hội áp dụng cho Hải Phòng; chia sẻ kinh nghiệm trong nước trong việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù ở địa phương; đồng thời thảo luận về các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi và đề xuất một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho thành phố Hải Phòng.
Nguyễn Hải