Được biết, hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực ngành đóng tàu của các doanh nghiệp là rất lớn nhưng việc tuyển sinh ngành học này tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam liên tục sụt giảm cả về số lượng cũng như chất lượng đầu vào. Vừa qua, Trường đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nhu cầu nguồn nhân lực ngành đóng tàu-thực trạng và giải pháp”. Tham gia hội thảo có đại diện Khoa đóng tàu Trường đại học Hàng hải Việt Nam, Cục đăng kiểm Việt Nam, các công ty đóng tàu và sinh viên khoa đóng tàu.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Tú, Phó trưởng khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, hiện nay, khoa Đóng tàu đang quản lý 2 chuyên ngành đại học chính quy, cấp bằng kĩ sư với thời gian đào tạo 4,5 năm, gồm: Thiết kế tàu và công trình ngoài khơi, chỉ tiêu xét tuyển 45 sinh viên; Đóng tàu và công trình ngoài khơi, chỉ tiêu xét tuyển 45 sinh viên.
Ngoài ra, Khoa đóng tàu còn đào tạo sau đại học chuyên ngành Kỹ thuật tàu thuỷ và tiến sĩ ngành Cơ khí động lực. Khoa Đóng tàu còn có nhiều điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo như: Đội ngũ giảng viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm; chương trình đào tạo đáp ứng điều kiện thực tế, sinh viên được tham gia thực hành tại các công ty thiết kế tàu, nhà máy đóng tàu để làm quen với thực tiễn công việc…
Cũng theo PGS.TS Trần Ngọc Tú, trong những năm gần đây, việc tuyển sinh ngành học này tại nhà trường liên tục sụt giảm về số lượng cũng như chất lượng đầu vào.
Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ngành Đóng tàu ngày càng lớn. Trong năm 2020, nhiều công ty Đóng tàu có trụ sở ở miền Bắc đã gửi công văn tuyển dụng kĩ sư về khoa Đóng tàu, thống kê nhu cầu cần 47 kĩ sư.
Nhu cầu tuyển dụng kĩ sư năm 2021 của các doanh nghiệp Đóng tàu cao hơn năm 2020, trong đó khối các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thuỷ có sự gia tăng rõ nhất.
Thống kê từ các nguồn, nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 kĩ sư/năm. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng kỹ sư đóng tàu trong năm 2022 và các năm tiếp theo là rất cao, cơ hội việc làm cho sinh viên Khoa đóng tàu rất tốt. Nhưng nguyên nhân ngành Đóng tàu thiếu nhân lực theo nhận định của khoa Đóng tàu cũng như các doanh nghiệp là bởi xu hướng xã hội, phụ huynh và học sinh hướng đến học các ngành kinh tế, công nghệ; còn các ngành truyền thống thì không mấy mặn mà.
Hai nữa là do khó khăn riêng của ngành Đóng tàu trong những năm qua; mức lương chưa thực sự hấp dẫn và chưa có tính cạnh tranh so với các ngành khác; nhu cầu thu hút nhân lực từ các KCN lớn với yêu cầu không cao; chính sách hỗ trợ người học phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển từ phía nhà nước đối với ngành học chưa có…
Để từng bước nâng cao về chất lượng và nguồn nhân lực ngành công nghiệp đóng tàu hiện nay, các đại biểu cũng đề ra một số giải pháp như là: tích cực tuyên truyền, kết nối trau dồi nguồn nhân lực với các cơ sở đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập tại nhà máy, có các chính sách học bổng khuyến khích cho các khoa ngành hàng hải, học bổng hỗ trợ các sinh viên, cam kết làm việc tại nhà máy sau tốt nghiệp; đề xuất với các cơ quan quản lý về nhu cầu nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi để phát triển nhân lực ngành đóng tàu; tăng cường sự liên kết với các cơ sở đào tạo đào tạo thực tiến để nâng cao chất lượng cung cấp nguồn nhân lực cho ngành…
Thiên An