Sáng 25/10, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học phát triển thành phố Hải Phòng trở thành Trung tâm dịch vụ Logistics quốc tế hiện đại. Đồng chí Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ thành phố và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Đến dự hội thảo, về phía đại biểu Trung ương, còn có các đồng chí lãnh đạo và chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; Tạp chí Nghiên cứu kinh tế; Trung tâm Phân tích và dự báo, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, các trường đại học; đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp. Hội thảo được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến – kết nối đa nền tảng trên Zoom và Youtube.
Trong bối cảnh hợp tác và hội nhập, cũng như quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ngành dịch Logistics ra đời như một giải pháp cho nhu cầu sản xuất và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất. Do đó, ngành Logistics đã dần khẳng định được vai trò to lớn của mình đối với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, tê liệt sản xuất và lưu thông hàng hóa, làm đứt gãy sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Hải Phòng là thành phố ven biển, với vị trí địa lý là cửa ngõ của miền Bắc, sở hữu đường bờ biển dài trên 125km, đường thủy nội địa dài hơn 400km, nơi hội tụ nhiều loại hình giao thông, có vị trí giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cảng biển Hải Phòng, đường sắt, quốc lộ 5, quốc lộ 10, là đầu mối quan trọng, cửa chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế. Có thể nói, Hải Phòng là thành phố duy nhất của khu vực phía Bắc có đầy đủ 5 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không.
Bên cạnh đó, Hải Phòng là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; đứng thứ 2 vùng trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội và Quảng Ninh, Hải Phòng là một trong ba đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, đóng vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của chương trình hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vào năm 2020, Hải Phòng đã vươn lên là 1 trong 5 địa phương có quy mô công nghiệp lớn nhất cả nước, đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến hết năm 2020, đã có 10 khu công nghiệp Hải Phòng đi vào hoạt động hiệu quả. Hải Phòng đã trở thành trung tâm công nghiệp của vùng, các khu công nghiệp tại địa phương trở thành “tâm điểm” thu hút các “đại bàng” về đầu tư.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nhà khoa học, đơn vị, doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ, trao đổi, trình bày các nội dung: Đưa Hải Phòng thực sự trở thành trung tâm Logistisc quốc tế hiện đại; Sử dụng cảng cạn như cánh tay nối dài của cảng biển: Phân tích và khuyến nghị từ góc nhìn của cảng Hải Phòng; Chuyển đổi số ngành Kho Vận để giảm chi phí Logistics; Đầu tư hành tầng Logistics-chìa khóa thành công tại Hải Phòng; Các giải pháp xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ Logistics quốc tế hiện đại…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố nhấn mạnh: Với lợi thế sẵn có về địa lý cùng với sự quan tâm và chỉ đạo, đầu tư của Trung ương, cộng với những nỗ lực của thành phố, hạ tầng logistics của Hải Phòng ngày càng hoàn thiện. Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động và đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2. Một số dự án quan trọng như đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng-Hạ Long, cao tốc ven biển Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh, đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ và đi vào hoạt động. Do đó, hoạt động dịch vụ logistics của Hải Phòng trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả khả quan: Sản lượng hàng hoá thông qua tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản lượng hàng hoá đã tăng từ mức hơn 79 triệu tấn vào năm 2016, năm 2020 đạt mức cao nhất 142,8 triệu tấn, tăng bình quân 17,55%. Dịch vụ logistics của Hải Phòng tăng trưởng cao với mức bình quân 23%/năm, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước; Tăng trưởng container liên tục gia trong giai đoạn 2015-2020, từ mức 1.019.967 (2015) TEUs lên 1.270.760 TEUs năm 2019 và năm 2020 tăng cao nhất (1.297.920 TEUs); Thu hút đầu tư dịch vụ logistics có bước phát triển. Nhiều hãng vận tải biển lớn của Việt Nam đã quy tụ về Hải Phòng như Vosco, Vinaship, Oermatrans, Vinalines, Vitranchart, Vietfract…, hàng chục hãng vận tải biển và nhiều đại lý hàng hải như Vosa, Saigon, Sallands, Yangming, Hyundai, K-Line, Cosco đã đặt văn phòng tại Hải Phòng. Hiện nay, Hải Phòng có 3 trung tâm logistics, gồm 2 trung tâm đã hoạt động là trung tâm logistics Green, trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (Khu công nghiệp Đình Vũ) và 1 trung tâm logistics đang xây dựng là trung tâm CDC (Khu công nghiệp Đình Vũ 2); Cho đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có nhiều trung tâm logistics lớn như: Trung tâm logistics của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An… khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Hải Phòng.
Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 xác định: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics”. Hướng tới đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đặt ra những mục tiêu về logistics như: Tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30-35%/năm và tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20-25%/năm. Phát triển dịch vụ logistics đã được thành phố xác định là một trong 3 trụ cột để xây dựng và phát triển Hải Phòng. Và Hải phòng trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, dựa trên xanh hóa và số hóa, công nghiệp chế tạo, công nghệ cao; cảng biển-logistics trọng điểm khu vực và quốc tế, du lịch-thương mại.
Hội thảo nhằm tạo lập một diễn đàn để các nhà khoa học Trung ương và địa phương trao đổi ý kiến, đề xuất cơ chế để huy động mọi nguồn lực; tạo sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống hạ tầng giao thông logistics (cầu, cảng, bến bãi) với các trung tâm dịch vụ logistics, phát triển nền tảng số, kết nối với mạng logistics toàn cầu; những ý tưởng gợi mở để xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị cảng, trung tâm dịch Logistics quốc tế hiện đại gắn với Khu Thương mại tự do, để Hải Phòng trở thành thành phố Cảng toàn cầu.
Nguyễn Hải