Print Thứ Sáu, 10/06/2022 10:42 Gốc

Sáng 9/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật thành phố và UBND huyện Vĩnh Bảo phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học “Danh y Đào Công Chính và những cống hiến cho nền y học cổ truyền dân tộc”. Dự Hội thảo có các đồng chí PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật thành phố; cùng lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vĩnh Bảo; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương.

Đào Công Chính vốn có tên là Đào Dĩnh Đạt, khi ra thi mới đổi tên là Công Chính. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học lâu đời. Theo gia phả họ Đào và hương phả làng Hội Am hiện giữ được thì đời Hậu Lê, đời Mạc, tiên tổ của Đào Công Chính có nhiều người đậu trung khoa, có người vào học Quốc Tử Giám.

Đào Công Chính sinh năm 1639, tại làng Hội Am, tên Nôm là làng Cõi, thuộc huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) vốn là một làng cổ, Trung tâm của vùng văn hiến Đông Nam huyện Vĩnh Lại.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại “Hội thảo về thân thế, sự nghiệp Danh y Đào Công Chính”, diễn ra năm 2004, Đào Công Chính được nhất trí suy tôn là một trong ba đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc, tạo thế kiềng ba chân vững chắc: “Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Dược học đối với Tuệ Tĩnh, Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính”.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.

Tại hội thảo này, các nhà khoa học, các đại biểu, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương tiếp tục trao đổi ý kiến, công bố các kết quả nghiên cứu mới, làm sáng tỏ những vấn đề về thân thế, sự nghiệp của Danh y Đào Công Chính đặc biệt là những cống hiến của ông cho nền y học cổ truyền dân tộc, đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị nghiên cứu về sử học, y học do ông để lại.

Tham luận tại Hội thảo, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, trong quyền thứ nhất của Bảo sinh diên thọ toàn yếu, Đào Công Chính dành một phần viết về cách trừ bệnh, kéo dài tuổi thọ gọi là sáu chữ khử bệnh kéo dài tuổi thọ… Mặc dù cuốn Bảo sinh diên thọ toàn yếu viết về thuật dưỡng sinh cho vua, quan, chưa phải cho thứ dân nhứng sách viết rất toàn diện cả về lý luận và thực tiễn phòng bệnh, chữa ệnh, rèn luyện, hướng dẫn cách ăn uống, kiêng kỵ… Sách bám sát thực tế của Nhân dân và được thừa nhận vận dụng có kết quả, được các bậc danh y sau này tiếp thu, vận dụng, phát triển nâng cao, vì vậy ông còn được tôn vinh là “Đức thành thuốc nam, Hội Am Vĩnh Lại”.

Theo Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, tác phẩm Bảo sinh diên thọ toàn yếu nêu lên ý nghĩa của việc dưỡng sinh đối với sức khỏe, với việc phòng và điều trị một số bệnh: sự quý giá của sinh mệnh con người trong vũ trụ, những thứ gây nguy hại đến sức khỏe và cách phòng tránh, những thứ lên làm, nên ăn để tăng cường sức khỏe và ý nghĩa bảo vệ sức khỏe,… Tác phẩm Bảo sinh diên thọ toàn yếu cần nghiên cứu, hoàn thiện và phổ biến để nhiều người được biết để sự dụng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho mình hằng ngày.

Về xây dựng và phát huy giá trị Khu lưu niệm Danh y Đào Công Chính đang được xây dựng, theo TS Phạm Từ, Nguyên Phó Tổng cụ trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam và ông Đỗ Xuân Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng: Việc xây dựng khu lưu niệm cần tránh bê tông hóa, tránh màu sắc chói chang. Trong khuôn viên của di tích cần quy hoạch xây dựng vườn thực vật, vườn thuốc nam và tạo không gian mở, liên kết với các khoa đông y, dược học, bệnh viện trong huyện, trong toàn thành phố; xây dựng phòng bắt mạch kê đơn, nơi tập dưỡng sinh, để nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương tại khu lưu niệm vẫn luôn thấy được sự hiện diện và bảo trợ của danh y đối với sự nghiệp y học dân tộc.

Ngoài ra, các đại biểu, các nhà nghiên cứu cũng thảo luận làm rõ về ngày mất của Danh y; đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặt tên Đào Công Chính cho một tuyến đường trên địa bàn thành phố; đề xuất đổi tên công trình Nhà lưu niệm Danh y thành Đền thờ Danh y để xứng tầm công lao, đóng góp của Danh y; cần lựa chọn kỹ, thẩm định đúng chữ nghĩa các biển đề, hoành phi câu đối được trưng bày, treo tại Khu lưu niệm sao cho phù hợp nhất với Danh y; đưa khu lưu niệm Danh y trở thành một điểm trong tua du khảo đồng quê Vĩnh Bảo…

Dương Thị Bích, Huyện ủy Vĩnh Bảo

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội thảo Khoa học “Danh y Đào Công Chính và những cống hiến cho nền y học cổ truyền dân tộc”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác