Hội thảo “Giới thiệu mô hình khu công nghiệp sinh thái”

Sáng 6/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp với Trung tâm giảm thiểu cac-bon châu Á – thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu mô hình khu công nghiệp sinh thái”. Đồng chí Phạm Văn Mợi, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và ông Junichi Sono, Giám đốc Điều hành Trung tâm Giảm thiểu cac-bon châu Á – thành phố Kitakyushu đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có Tiến sĩ Vương Thị Minh Hiếu, Vụ Quản lý Khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo sở, ngành; lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Theo đó, Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Vương Thị Minh Hiếu, Vụ Quản lý Khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày cơ sở pháp lý tại Việt Nam về Khu công nghiệp sinh thái, trong đó trọng tâm là Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/9/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Ông Junichi Sono, Giám đốc Điều hành Trung tâm Giảm thiểu cac-bon châu Á – thành phố Kitakyushu trình bày một số nội dung liên quan đến Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến một số dự án thí điểm thành phố Kitakyushu hợp tác với Hải Phòng về tăng trưởng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường như: xe buýt điện EV tại đảo Cát Bà, ủ phân hữu cơ tại cơ sở xử lý rác thải Tràng Cát, phát triển thu hồi nhiệt tại Nhà máy xi măng. Thời gian tới, sẽ triển khai dự án xử lý nước thải tại các chợ cá. Đại diện Viện nghiên cứu NTT Data trình bày chính sách hỗ trợ vốn theo cơ chế JCM với các doanh nghiệp có dự án giảm thải khí CO2.. Đại diện các khu công nghiệp Đình Vũ và Nam cầu Kiền cũng trình bày những vấn đề liên quan đến phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Qua trao đổi, thảo luận các đại biểu thống nhất phát triển khu công nghiệp sinh thái để nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp trong khu công nghiệp thông qua việc áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và xây dựng mối liên kết cộng sinh công nghiệp. Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong và xung quanh khu công nghiệp thông qua việc giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường. Hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đ/c Phạm Văn Mợi, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trao quà lưu niệm

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Mợi, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nhấn mạnh: xây dựng khu công nghiệp sinh thái và giảm thải khí cac-bon được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.Thành phố đang rà soát các dự án đang đầu tư, dự án ưu tiên đầu tư và dự án không ưu tiên đầu tư hướng tới các dự án sử dụng công nghệ cao, ít nguyên liệu và thân thiện với môi trường. 

Về định hướng, hướng dẫn các yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cũng như doanh nghiệp thứ cấp, qua trao đổi, có 2 doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng là DEEP C và Nam cầu Kiền sẵn sàng tham gia đăng ký xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Việc đăng ký và chứng nhận doanh nghiệp sinh thái thuộc thẩm quyền của UBND thành phố trên cơ sở lấy ý kiến tham vấn của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương. Các doanh nghiệp thứ cấp được Ban Quản lý Khu Kinh tế cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp hoạt động sinh thái trong các Khu công nghiệp sinh thái. 

Việc xây dựng Khu công nghiệp sinh thái cùng với chiến lược giảm thiểu cac-bon là hai nội dung liên kết chặt chẽ với nhau. Với thông tin của các đại biểu dự Hội thảo cùng với sự hợp tác kết nghĩa của thành phố Kitakyushu, đồng chí mong muốn Kitakyushu sẽ hỗ trợ các thiết bị để giảm thải khí cac-bon và phát triển Khu công nghiệp sinh thái. Đồng chí Phạm Văn Mợi đề nghị đưa thông tin hướng dẫn, hỗ trợ vốn theo cơ chế JCM giảm thiểu cac-bon lên Cổng thông tin điện tử, các Website để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt. Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phối hợp với các Bộ khác có hướng dẫn cụ thể về: ưu đãi, quy  trình, các tiêu chí, điều kiện để hình thành và phát triển các khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam trong đó có thành phố Hải Phòng.

 Nguyễn Hải – haiphong.gov.vn 06/11/2018

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More