Print Chủ Nhật, 17/11/2019 15:09 Gốc

Tham gia sân chơi lớn, hiển nhiên Việt Nam đã cân nhắc kỹ lưỡng và trở thành nhất quán trong chủ trương hội nhập quốc tế. Mặt khác, các nước thành viên CPTPP, EU và ASEAN đều là thị trường lớn của Việt Nam những năm qua. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có lợi nhất khi hội nhập thương mại tự do, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Sản xuất công nghệ cao tại Tổ hợp công nghiệp Vinfast

Cần phải thấy rằng, Việt Nam đã nỗ lực với tính trách nhiệm và cầu thị rất cao khi tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do, thể hiện rõ nhất là việc sửa đổi, ban hành hệ thống pháp luật liên quan, mở đường cho việc thực hiện các cam kết với đối tác.

Bên cạnh cắt giảm các dòng thuế theo lộ trình, các thủ tục hành chính cũng được cải cách mạnh mẽ. Chẳng hạn Hải Phòng cùng với TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai mô hình “hải quan điện tử”, đã góp phần rút ngắn thời gian thông quan, giảm các yêu cầu về các giấy tờ kê khai nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thương mại.

Những năm gần đây, Hải Phòng đã tập trung cao cho công tác cải cách hành chính, thực hiện việc rà soát, cập nhật và ban hành 100% bộ thủ tục hành chính với thuộc thẩm quyền giải quyết ở các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, đã đổi mới và thực hiện có hiệu quả mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”; triển khai xây dựng mô hình chính quyền điện tử ở một số địa phương, xúc tiến triển khai xây dựng mô hình chính quyền điện tử thành phố; áp dụng thực hiện quy trình ISO với giải quyết thủ tục hành chính tại 100% sở, ngành, UBND quận, huyện và các phường, xã, thị trấn…

Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của thành phố luôn đứng trong tốp đầu cả nước, đây chính là cơ sở quan trọng để thành phố sẵn sàng hội nhập, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư cũng như giữ chân các nhà đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, thời gian qua Hải Phòng đã đẩy mạnh hai định hướng lớn là điều chỉnh cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong đó chuyển từ tăng trưởng chiều rộng hiện nay sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Nâng dần tỷ trọng đóng góp của yếu tố TFP trong tốc độ tăng trưởng GDP, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ.

Tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng kết nối với thị trường thế giới, đồng thời coi trọng thị trường trong nước; thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu; nâng cao hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Đó là lời giải mang tính vĩ mô cho bài toán hội nhập, nhưng vấn đề đặt ra là, bản thân những người trong cuộc, cả doanh nghiệp và nhà quản lý cần nhiều hơn tư duy manh tính cách mạng thực sự.

Gia công xuất khẩu còn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế

Để chuyển hóa từ định hướng vĩ mô, thiết nghĩ thành phố cần có sự đánh giá toàn diện năng lực thực sự của nền kinh tế Hải Phòng, rà soát hoạt động của từng khu vực sản xuất, dịch vụ và hệ thống các doanh nghiệp.

Chẳng hạn về công nghiệp, phân loại theo khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân và nguồn vốn FDI) và phân ngành sản xuất; về nông nghiệp là khả năng cung cầu và sự kết nối lưu thông, cũng như tác động của nguồn lực cả khu vực Duyên hải; về dịch vụ là hạ tầng và năng lực cung ứng các dịch vụ về thương mại, vận chuyển, lưu trú, du lịch…

Trên cơ sở khảo sát, dự báo và đưa ra các kịch bản giả định từ thực tiễn, có phương án đối phó với tác động của hội nhập, mới có thể đem lại hiệu quả cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Mặt khác, về phía các doanh nghiệp cũng phải nhận thức rõ hơn những cơ hội và thách thức, có kịch bản và phương án cho riêng mình chứ không thể chỉ là “tự bơi” theo phương châm “nước nổi, bèo nổi”.

Hiện thành phố có các tổ chức hiệp hội như doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp trẻ; doanh nghiệp thương bệnh binh-cựu chiến binh; Phòng TM&CN VN chi nhánh Hải Phòng… và nhiều tổ chức nghề nghiệp khác. Đáng mừng là gần đây trên địa bàn thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền về tiến trình hội nhập, do một số đơn vị ở Trung ương phối hợp với địa phương tổ chức, cho thấy sự quan tâm đã bắt đầu khởi động.

Đây là những động thái đáng khích lệ, nhưng cần nhiều hơn những hoạt tương tự, bám sát vào thực tế Hải Phòng, để thành phố thuận đường trên lộ trình hội nhập.

Về lao động, như đã nói ở kỳ trước, thách thức lớn khi AEC đi vào vận hành là thị trường lao động sẽ bị xáo trộn, dẫn đến nhiều hệ lụy về cạnh tranh việc làm. Hơn nữa nếu không có sự chuẩn bị thì các doanh nghiệp sẽ gặp khủng hoảng về số lượng cũng như cơ cấu nguồn lực, chưa kể các tác động về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự… do dịch chuyển lao động của các nước ASEAN diễn ra.

Theo một cán bộ có nhiều kinh nghiệm về lao động, thì từ trước đến nay các nước nhập khẩu lao động từ Việt Nam đều có tiêu chuẩn riêng cho từng loại hình, kể cả lao động phổ thông. Trong khi đó ở Việt Nam, ngoài đội ngũ cán bộ quản lý, tri thức, kỹ thuật… vấn đề tiêu chuẩn lao động chưa thực sự được quan tâm. Thiết nghĩ, thành phố nên có chính sách hoặc đề xuất phương án để sớm giải quyết vấn đề này.

Vẫn biết là tham gia sân chơi mới sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng hội nhập cũng là kiến trúc thượng tầng của cả nước, dù muốn hay không Hải Phòng cũng phải nhập cuộc.

Lê Minh Thắng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội nhập quốc tế – Cần hơn tính chủ động (Kỳ 3): Chủ động hội nhập
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác