Print Thứ Bảy, 16/11/2019 12:17 Gốc

Rõ ràng hội nhập kinh tế đang góp phần rất lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó, những thách thức cũng không hề nhỏ, nhất là khi thị trường trong nước phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh sòng phẳng.

Điều này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong nhiều chuyến làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng: “Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhất là hội nhập kinh tế sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển, trong đó Hải Phòng luôn là địa phương hội nhập sâu nhất, rộng nhất. Nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề trong khi nguồn lực chúng ta còn hạn hẹp”.

Hàng hóa nội địa sẽ gặp khó khi cạnh tranh quốc tế.

Điều đó có thể thấy, những năm gần đây dù đạt được đột phát trong phát triển, nhưng đối với Hải Phòng, một trong những vấn đề lớn đặt ra là quy mô nền kinh tế thành phố còn hạn chế, tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư và số lượng lao động, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chưa cao so với mặt bằng chung của các nước đang phát triển.

Việc mở rộng thị trường khi hội nhập sẽ tạo nhiều thuận lợi hoạt động xuất khẩu, nhưng ngành sản xuất hàng hóa nội địa sẽ phải đương đầu khốc liệt với hàng nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Mặt khác, hiện cơ cấu ngành công nghiệp Hải Phòng chủ yếu vẫn là lắp ráp, gia công, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp chủ lực thấp; trình độ công nghệ chủ yếu vẫn là cơ khí hóa, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP luôn ở mức cao.

Liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do, thách thức cũng đã được các chuyên gia phân tích rõ, khi tham gia sản phẩm Việt Nam phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nguyên liệu nội khối nhất định. Chẳng hạn trong lĩnh vực dệt may, nguồn gốc sản phẩm được tính là nơi sợi được dệt, nghĩa là nếu sản phẩm may mặc Việt Nam được làm từ vải Trung Quốc, thì sẽ được tính nguồn gốc TQ, trong khi hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu vải từ TQ khoảng gần 40%.

Điều trớ trêu là Hải Phòng có nhà máy xơ sợi polyester được đầu tư tổng vốn trên 325 triệu USD, thuộc diện lớn của Đông Nam Á nhưng hiện phải hoạt động cầm chừng do không tiêu thụ được sản phẩm, bản thân ngành dệt thành phố cũng đã bị tê liệt từ lâu. Từ bài học của xơ sợi Đình Vụ, cho thấy Hải Phòng cũng như cả cả nước còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết, khi quá trình đầu tư không tính đến sự đồng bộ giữa đầu vào và đầu ra.

Hơn nữa, hiện một số nước chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nếu không chuẩn bị hành lang pháp lý đầy đủ, hàng hóa từ Việt Nam cũng rất dễ vấp phải các rào cản thương mại của đối tác như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay bảo hộ sản xuất nội địa. Trên thực tế không riêng gì dệt may, mà rất nhiều ngành dịch vụ, sản xuất, chế biến khác của Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh đó.

Nguồn lực lao động sẽ bị xáo trộn khi AEC vận hành?

Đáng lưu ý là, trước cánh cửa bước ra sân chơi lớn, những hiểu biết của doanh nghiệp thành phố về thương mại tự do còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chuẩn bị đi trước, đón đầu, nhưng cũng không ít doanh nghiệp hoặc chưa hiểu rõ, hoặc chưa thực sự quan tâm, đó cũng là hạn chế lớn trên đường vươn ra quốc tế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trở lại với những nội dung được đề cập của cộng đồng kinh tế Asean (AEC), một trong những vấn đề mấu chốt, khác hẳn với việc tham gia CPTPP và EVFTA chính là giải quyết nguồn nhân lực. Chắc chắn tính linh hoạt của AEC sẽ tạo ra xáo trộn không nhỏ cho thị trường lao động Việt Nam, mà Hải Phòng không phải là ngoại lệ. Đơn cử, khi Asean công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên, cũng đồng nghĩa với việc một số lượng lớn lao động chất lượng cao sẽ tràn vào Việt Nam.

Với năng lực đào tạo như hiện nay, khả năng cạnh tranh của Việt Nam rất khiêm tốn so với các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… Đội ngũ lao động trí thức có chất lượng thực sự thêm nhiều cơ hội việc làm khi di chuyển trong thị trường cộng đồng, nhưng một bộ phận không nhỏ những người kém thực chất rất dễ bị loại bỏ.

Ngay như lao động phổ thông, Việt Nam vốn dĩ chưa có thị trường lao động thực sự, việc tuyển dụng, sử dụng chủ yếu do đào tạo tự phát, thiếu cơ bản nghiêm trọng. Nhưng đó là trong điều kiện nguồn lao động phổ thông của Việt Nam chưa phải cạnh tranh gay gắt với các nguồn khác, kể cả lao động xuất khẩu cũng dựa vào sự ưu tiên của các cam kết song phương giữa Việt Nam với đối tác.

Khi AEC thực sự vận hành, Hải Phòng với trên 90% sản xuất xuất khẩu là gia công, lắp ráp, lực lượng lao động phổ thông sẽ phải đối mặt với các dòng dịch chuyển tương tự đến từ Indonesia, Philipin, Mianma, Campuchia… Nếu người lao động Việt Nam không thay đổi những thói quen tiêu cực như thiếu tác phong công nghiệp, vô kỷ luật và những thói xấu khác, sẽ rất khó khăn để tìm chỗ đứng ổn định. Đây cũng chính là vấn đề của cả thị trường lao động trong nước.

Tóm lại, với vị thế đã được khẳng định, Hải Phòng đầy đủ điều kiện để tiếp nhận hiệu quả cả CPTPP, EVFTA hay AEC. Tuy nhiên nếu không nhận rõ những thách thức để chủ động tiếp cận, thì việc chớp thời cơ có thành công hay không cũng còn nhiều việc phải bàn.

Lê Minh Thắng (còn nữa)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội nhập quốc tế – Cần hơn tính chủ động (Kỳ 2)-Nhận diện những thách thức
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác