Sáng 22/6, Kho bạc Nhà nước Hải Phòng, Thanh tra thành phố tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022. Tới dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ thông tin và giới thiệu về Luật Thanh tra năm 2022, theo đó Luật có 08 chương với 118 điều với những điểm mới cơ bản như: Đối với việc thành lập Thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ: Luật cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Đối với việc thành lập Thanh tra Sở: Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với biên chế, khối lượng việc được giao, bảo đảm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Luật quy định linh hoạt về việc thành lập Thanh tra sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao (Điều 26). Về hoạt động thanh tra: Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp. Cùng các quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; việc ban hành Kết luận thanh tra; việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân nhấn mạnh, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023 được Quốc hội thông qua nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về Thanh tra hiện nay; đặc biệt cập nhật, bổ khuyết những nội dung phù hợp với thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật Thanh tra năm 2022 đã quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Luật được ban hành nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công cụ giám sát, thanh tra, kiểm tra của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. Để Luật Thanh tra năm 2022 được triển khai hiệu quả, thiết thực và sớm đưa các quy định của Luật vào thực tiễn, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị các cán bộ, công chức tham Hội nghị tập trung cao tiếp thu đầy đủ những nội dung được lãnh đạo Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ truyền tải để triển khai hiệu quả, thiết thực và tuân thủ đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2022.
Nguyễn Hải