Print Thứ ba, 23/07/2019 13:31

Sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Dự tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT thành phố và đại diện các Sở, ngành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (Ảnh:VGP/Quang Hiếu)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban cho biết đây là công việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết.

Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025, trong đó, đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17, bước đầu đạt kết quả. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 17, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai nói chung cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, tổ chức bộ máy để thực hiện nói riêng.

Cùng với tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Thủ tướng đề nghị nêu các giải pháp bảo đảm sự thống nhất về cách làm, sự kết nối đồng bộ giữa trung ương và địa phương. “Nếu không, sau này chúng ta triển khai mà không kết nối được thì rất phức tạp, mô hình khác nhau, cách làm, thiết bị khác nhau là vấn đề rất lớn”. Đây là một vướng mắc hiện nay, lần này cần rút ra kinh nghiệm nhằm xử lý đồng bộ để có hệ thống thống nhất.

Về phương hướng những tháng cuối năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28 của Thủ tướng, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia….

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban cho biết, đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện…

Đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TT&TT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và scan được khoảng 25 triệu dữ liệu. Các đề án về không gian địa lý quốc gia, về tài nguyên và môi trường đang được xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 11/2019.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng điều hành tại điểm cầu TP. Hải Phòng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số nội dung triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo, còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế. Mặc dù công tác gửi, nhận văn bản điện tử đã được triển khai rộng khắp nhưng việc đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử chưa được đồng bộ; thể thức, hình thức chữ ký số văn bản của các bộ, ngành và địa phương chưa thống nhất. Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương chưa đảm bảo chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí.

Nguồn. haiphong.gov.vn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử toàn quốc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác