Sáng 26/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự Hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị phát biểu: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Dưới sự Lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan, địa phương đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được, tìm ra nguyên nhân của các vấn đề tồn tại trong năm 2023, từ đó đề ra các giải pháp cho năm 2024.
Năm 2023, cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng so với năm 2022. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp ổn định, hài hòa và tiến bộ. Kết nối cung-cầu lao động được tăng cường, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh.
Thời gian qua, kinh tế thành phố Hải Phòng được phục hồi và phát triển, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Nhiều dự án, chương trình phát triển kinh tế của thành phố được tổ chức thực hiện hướng tới mục tiêu an sinh xã hội; chính sách xã hội được quan tâm, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” toàn thành phố đều đã và đang triển khai thực hiện, trong đó có sự tham mưu tích cực, đóng góp không nhỏ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Nổi bật là tham mưu ban hành Nghị quyết 05/2023/NQ-HĐND ngày 18/7/2023 quy định nội dung, mức tặng quà của thành phố hàng năm tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9 và các nhiệm vụ khác trong bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. Đặc biệt, năm 2023, toàn thành phố ước giải quyết việc làm cho 57.700 lượt lao động, vượt 0,7% kế hoạch và tăng 1,26% so với thực hiện năm 2022; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 3.900 người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước là 3,59% đạt kế hoạch năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 86,5% tăng 0,5% so với năm 2022. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với gần 27.000 người có công, thân nhân; tổ chức mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 96.314 người có công và thân nhân người có công, cựu chiến binh, thanh niên xung phong. Tham mưu thành phố, tặng quà cho 174.655 lượt người có công với tổng kinh phí 541,67 tỷ đồng, bằng 109% so với năm 2022. Hỗ trợ xây mới 287 nhà, sửa chữa 183 nhà cho người có công có khó khăn về nhà ở với kinh phí hơn 15,1 tỷ đồng. Hơn 414 nghìn lượt trẻ em được hỗ trợ, tặng quà tổng kinh phí trên 57 tỷ đồng, bằng 104% so với năm 2022…
Năm 2024, toàn ngành Lao động Thương binh và Xã hội cả nước phấn đấu đưa tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%; đưa khoảng 125 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 42-43%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 33-33,5%; cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Hồng Nhung