Print Thứ hai, 25/12/2023 16:25 Gốc

Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác tư pháp giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021-2026). Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng.

Năm 2023, Bộ Tư pháp cùng các Tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700 VBQPPL cấp xã. Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tăng cường, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều mô hình hay, hiệu quả. Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV đã thu hút sự tham gia của 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.

Kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022. Tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục được kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả,chuyên nghiệp; công tác phối hợp, nhất là phối hợp liên ngành trong THADS được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất, điều kiện, trang thiết bị làm việc, phục vụ hoạt động THADS được đầu tư, nâng cấp đảm bảo tốt cho thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, các công tác: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; quản lý nhà nước về con nuôi; đăng ký biện pháp bảo đảm; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hợp tác quốc tế… đều đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp.

Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, năm 2024 ngành Tư pháp tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về THADS, THAHC. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp. Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi VBQPPL để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định liên quan hoạt động kinh doanh. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong đó chú trọng hiệu quả hợp tác với các đối tác láng giềng, truyền thống và hữu nghị; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả của ngành Tư pháp trong năm 2023, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2024, sẽ là năm nhiều khó khăn với ngành Tư pháp, năm gần cuối của nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh thể chế pháp luật ngày càng được đòi hỏi cao hơn về sự hoàn thiện, phù hợp với luật quốc tế. Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được đề ra trong năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tập trung tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các Văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về THAHC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Nguyễn Hải

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Tư pháp năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác