Print Thứ Ba, 21/12/2021 17:01 Gốc

Sáng 21/12, tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị thành phố, đồng chí Lê Khắc Nam, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố tham dự hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022 do đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì.

Đến dự và chỉ đạo tại hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Tham dự có đại diện lãnh đạo sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.

Phó Chủ tịch UBND thành phố dự hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.
Quang cảnh hội nghị tại các điểm cầu.

Theo báo cáo, năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế-xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng, nhưng toàn Ngành đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và của từng địa phương. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm; nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, nổi bật là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp: thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hành chính tư pháp; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật… trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp tiếp tục được nâng cao. Công tác xây dựng Ngành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học pháp lý; việc thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Ngành được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Những kết quả nêu trên đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương. Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế (đã được nêu cụ thể tại từng lĩnh vực công tác), khái quát một số tồn tại, hạn chế có thể kể đến như: Số liệu về kết quả hoạt động khá nhiều lĩnh vực giảm so với năm 2020. Tình trạng chậm ban hành văn bản tuy đã có bước khắc phục nhưng đến nay số văn bản chậm ban hành vẫn còn; chất lượng một số VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương còn thấp; công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm; vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ; tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng chậm cấp phiếu Lý lịch tư pháp vẫn còn; hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản… còn có nhiều sai phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đôi khi chưa được thường xuyên, chặt chẽ…

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Ngành Tư pháp xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện công tác tư pháp năm 2022 như sau:

Tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Tổ chức thi hành hiệu quả VBQPPL, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và “chùm” Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự khi được Quốc hội thông qua. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự (THADS) và các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư.

Triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng hoàn thiện pháp luật; chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; quan tâm phát triển hiệu quả, chất lượng hoạt động trọng tài, hòa giải thương mại; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng. Phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu công chứng viên Việt Nam lần thứ hai.

Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tập trung giải quyết các vấn đề quốc tịch cụ thể phát sinh trong thực tiễn.

Tích cực tham mưu với Chính phủ trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp phức tạp trong hoạt động đầu tư quốc tế.

Tập trung, nâng cao chất lượng nguồn lực bảo đảm tiến độ xây dựng, chất lượng các dự án công nghệ thông tin, đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2021-2026 và năm 2022.

Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp. Tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những thành tích ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2021. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2022 bảo đảm hiệu quả và thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Ngành; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành. Chủ động hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác của Bộ, ngành Tư pháp theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp và phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, Ngành. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Hải

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác