Giáo dục

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025

Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Dự Hội nghị có các đồng chí: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn; Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành và đơn vị liên quan.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam chủ trì Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các hoạt động kinh tế-xã hội đã diễn ra sôi động hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là thời điểm toàn ngành giáo dục triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; là năm bản lề quan trọng hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra về giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 176 cơ sở so năm học 2022-2023), với tổng số 18.463.481 học sinh (giảm 336.049 học sinh so năm học 2022- 2023), trong đó cấp Tiểu học là 8.919.198 học sinh (giảm 313.518 học sinh), cấp THCS là 6.550.552 học sinh (tăng 472.852 học sinh); cấp THPT là 2.993.731 học sinh (tăng 106.166 học sinh). Tỷ lệ bình quân 4,25 cơ sở giáo dục THPT/đơn vị hành chính cấp huyện; 1,03 cơ sở giáo dục THCS và 1,38 cơ sở giáo dục tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng trường trung học tăng ở các thành phố lớn do việc tăng dân số nên địa phương đã xây dựng, thành lập các trường mới; số lượng giảm ở một số địa phương do việc sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc sáp nhập các trường trung học trên địa bàn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc và an toàn, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 99,6% so tổng số thí sinh đăng ký dự thi, có 2.323 điểm thi, 45.149 phòng thi. Kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023-2024, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.

Tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc vào khoảng 99,40%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh THPT là khoảng 99,69% và học sinh giáo dục thường xuyên là khoảng 96,99%…

Bảo đảm số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo: sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục (năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế và năm học 2023-2024 bổ sung 27.826 biên chế), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.

Các địa phương tham dự Hội nghị.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, năm học 2023-2024 (tính đến tháng 4/2024), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so năm học 2022-2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so năm học 2022-2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người; qua đó góp phần quyết định sự vận động và phát triển của xã hội; là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao – một trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước…

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, góp phần vào thành tựu chung của đất nước thời gian qua. Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục-đào tạo.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, những ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (như chip bán dẫn, hydrogen, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm…) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục. Yêu cầu cấp bách nâng cao năng suất lao động để tiếp cận thị trường việc làm 4.0, gỡ bỏ rào cản để hướng tới hội nhập toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu.

Năm học 2024-2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục-đào tạo. Rà soát lại các công tác của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra liên quan lĩnh vực giáo dục-đào tạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:

Một là, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới (trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn… cho giáo viên, học sinh); tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hai là, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.

Ba là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục-đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo và các quy hoạch giáo dục, đào tạo.

Bốn là, tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Năm là, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Sáu là, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các ngành mới nổi. Phải có chuyển giao công nghệ, muốn vậy phải có cơ chế, chính sách, hạ tầng và con người.

Bảy là, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư trong giáo dục-đào tạo; đẩy mạnh giáo dục-đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học; đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp lĩnh vực giáo dục-đào tạo do tình hình kinh tế-xã hội còn khó khăn, còn tác động của đại dịch Covid-19.

Tám là, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp thực tiễn, hiệu quả.

Chín là, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số, nhất là dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành thị. Muốn vậy phải làm tốt công tác quy hoạch.

Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo; cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục, cần sự quyết tâm, nỗ lực và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.

Thủ tướng đề nghị hãy luôn ghi nhớ và cùng thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu; từ kinh nghiệm thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng đề nghị chúng ta cần xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể – Thầy cô giáo là động lực – Nhà trường làm bệ đỡ – Gia đình là điểm tựa – Xã hội là nền tảng”.

Cẩm Nhung

 

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Viettel- Nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công mạng 5G độc lập – 5G Standalone (SA)

Công nghệ 5G SA – 5G độc lập sẽ thúc đẩy sự phát triển của…

19/08/2024

Đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ

Sáng 19/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ cùng lãnh đạo các…

19/08/2024

Gần 2.000 vận động viên tham gia Giải chạy chinh phục đỉnh Thiên văn gây Quỹ “Vì người nghèo” lần thứ 2, năm 2024

Chào mừng Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập quận (29/8/1994-29/8/2024). Sáng 18/8, tại Nhà…

18/08/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More