Sáng 26/6, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy giải ngân vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài năm 2019”. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban QLDA sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của Trung ương và các tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành dự và chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn số liệu cho thấy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán. Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số đã giao là 244.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019 chỉ hơn 133.000 tỷ đồng, mới đạt xấp xỉ 37% so với kế hoạch đã điều chỉnh.
Để đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố, đại diện các cơ quan chủ quản, chủ dự án, các nhà tài trợ tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân chậm thời gian qua.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các nguyên nhân chủ yếu, đó là: Thứ nhất, các nhóm nguyên nhân về pháp luật bao gồm Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công. Thứ hai là nhóm nguyên nhân về kế hoạch vốn bao gồm tiến độ giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh dự toán chậm và thiếu kịp thời, làm các dự án triển khai theo tiến độ nhưng cũng không giải ngân được. Thứ ba là nhóm các vấn đề về đầu tư là quy trình, thủ tục điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn lớn, năng lực nhà thầu, năng lực ban quản lý dự án…
Để đề xuất các giải pháp khắc phục, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, các đại biểu đều nhất trí việc thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án không thể thực hiện được nếu không có sự chung tay góp sức của các chủ dự án, các cơ quan chủ quản các bộ, ngành quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các nhà tài trợ.
Thông qua hội nghị, Bộ Tài chính mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu để Bộ Tài chính có thể giải quyết ngay các vướng mắc thuộc trách nhiệm của Bộ, đồng thời sẽ phối hợp với các ngành, các cấp, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các nhà tài trợ tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền hoặc trình lên các cấp có thẩm quyền những vấn đề thuộc thẩm quyền, góp phần giải ngân nhanh và thuận lợi hơn cho các dự án nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Theo báo cáo của Sở Tài chính thành phố Hải Phòng, năm 2018, tổng số vốn vay ODA là 1.514.925 triệu đồng; được bố trí cho các dự án: Thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòn giai đoạn 1; Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng; Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Hệ thống xử lý chất thải các bệnh viện đa khoa thành phố Hải Phòng; Cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Phụ sản. Số vốn đã giải ngân là 946.578 triệu đồng, đạt 62,5% kế hoạch giao; trong đó vốn vay lại đạt 47,3%, vốn Ngân sách Trung ương cấp phát đạt 90,5%; số vốn còn lại chưa giải ngân là 568.374 triệu đồng, tương ứng với 37,5% kế hoạch giao.
Trong năm 2019, tổng số vốn vay ODA đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch là 216.211 triệu đồng; được bố trí cho ba dự án: Thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn 1; Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng; Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Số vốn đã giải ngân là 199.680 triệu đồng, đạt 92,4% kế hoạch giao, trong đó vốn vay lại đạt 84%, vốn Ngân sách Trung ương cấp phát đạt 96%. Số vốn còn lại chưa giải ngân: 16.531 triệu đồng, tương ứng với 7,6% kế hoạch giao.
Tô Thành