Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, bàn giải pháp thúc đẩy, phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Cùng dự có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch nước; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố; Phó chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo các ban, ngành thành phố và các quận, huyện.
Cả thế giới suy thoái, Việt Nam vẫn tăng trưởng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 6 tháng qua, Việt Nam có nhiều đối sách đúng, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với sự ủng hộ của nhân dân nên sớm ngăn chặn và kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19, tạo tiền đề quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh. Thủ tướng khẳng định, thế giới đánh giá rất cao thành quả chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam. Đây là thành công lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, dịch bệnh tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới và nước ta trong quý 2. Kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong đó có nhiều đối tác lớn của nước ta. Đáng lo ngại là dịch bệnh vẫn chưa có thời điểm kết thúc. Dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới cho thấy, kinh tế toàn cầu có thể suy giảm 6-8% trong năm nay; các nền kinh tế lớn như Nga, Mỹ đều tăng trưởng âm. Khu vực châu Á giảm khoảng 1,5%. Các nước ASEAN 5 hầu hết không tăng trưởng, ngoài Việt Nam.
Ở trong nước, kinh tế quý 2 chỉ tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua; 6 tháng chỉ tăng 1,81%; khách quốc tế giảm tới 99,3%; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, đặt trong bối cảnh chung, khi cả thế giới suy thoái thì sự tăng trưởng của Việt Nam vẫn là điểm sáng đáng tự hào. Kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; chỉ số CPI giảm dần; xuất siêu 4 tỷ USD; vốn đầu tư toàn xã hội tăng; thu ngân sách đạt khá; tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất giảm… Nông nghiệp khá ổn định, công nghiệp đang phục hồi; cầu tiêu dùng đang tăng; kích cầu du lịch, hàng không nội địa khá thành công… Đặc biệt, đời sống nhân dân ổn định; số hộ thiếu, đói giảm hơn 75% so với cùng kỳ năm trước; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong tháng 6, Việt Nam tổ chức thành công hội nghị cấp cao ASEAN 36, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam, được quốc tế đánh giá cao. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU được thông qua, mở ra không gian thương mại đầu tư mới với 27 nước châu Âu, có hiệu lực từ ngày 1-8. Thủ tướng khẳng định, kết quả này thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. Từ đó củng cố niềm tin, thêm quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu cần dự báo đúng tình hình và xác định rõ cần phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới; các ngành, các địa phương đề xuất, hiến kế các giải pháp để ngăn không cho dịch bệnh quay trở lại, đồng thời phát triển nhanh, phục hồi kinh tế – xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, bảo đảm cuộc sống nhân dân. Thủ tướng gợi ý 7 vấn đề lớn cần được thảo luận, phân tích, làm rõ với các giải pháp cụ thể gồm: nhận diện rõ rủi ro bên ngoài, bên trong để có giải pháp kịp thời; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng ổn định và phát triển kinh tế – xã hội; chú trọng phát triển 3 cấu phần quan trọng của tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đồng thời chú trọng sử dụng linh hoạt các chính sách tài chính tiền tệ; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; cải cách hành chính mạnh mẽ; phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, phát triển dịch vụ đô thị…; đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, vốn FDI…; thu hút khách du lịch… Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu, trọng điểm đưa ra những giải pháp có tính đột phá để thực hiện bằng được mục tiêu kép để ra. Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu…
Thủ tướng khích lệ: càng khó khăn, càng bình tĩnh, chủ động, vững tin, không chủ quan, không bi quan, cùng chung sức đồng lòng; lửa thử vàng, gian nan thử sức, quyết tâm vượt qua khó khăn và đi tới thành công.
Đánh giá rõ tình hình, nêu nhiều giải pháp
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phát triển vùng kinh tế trọng điểm; thu ngân sách; cải cách hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; cập nhật tình hình và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT tại các địa phương năm 2020 và nhiều vấn đề khác. Đồng thời nêu rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Lãnh đạo các địa phương phát biểu, bổ sung nhiều ý kiến đánh giá tình hình, giải pháp, hiến kế thực hiện nhiệm vụ, biến thách thức thành cơ hội phát triển.
Hội nghị diễn ra trong 1 ngày./.
Tin: Hồng Thanh – Ảnh: Duy Thính