Chiều 20/12, tại Hải Phòng, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực V tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện giữa Trung tâm và 6 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình.
Tham dự hội nghị có ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện; ông Đoàn Lê Văn, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực V cùng đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông 6 tỉnh, thành phố trên địa bàn.
Theo báo cáo năm 2023, số lượng giấy phép, đơn vị sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện (VTĐ) trên địa bàn 6 tỉnh thành (Nam Định; Hải Phòng; Thái Bình; Quảng Ninh; Hải Dương; Hưng Yên) gồm có: 3.668 tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, với tổng số hơn 6.100 giấy phép. Tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tập trung tại Hải Phòng (có 1.448 đơn vị) và Quảng Ninh (có 755 đơn vị).
Trung tâm Tần số vô tuyến điện và các Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, chủ yếu tập trung vào các nội dung có tính cấp thiết, theo hướng đối tượng, phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo hiệu quả đem lại lợi ích thiết thực, giúp người sử dụng tần số vô tuyến điện chấp hành đúng pháp luật. Đặc biệt, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tần số vô tuyến điện và hướng dẫn làm thủ tục đăng ký cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh cho các chủ phương tiện nghề cá ở các tỉnh, thành ven biển được chú trọng.
Bên cạnh đó, Trung tâm và các Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả; phối hợp tham mưu cho UBND các tỉnh ban hành văn bản, kế hoạch tăng cường công tác quản lý, hoạt động kinh doanh, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ đúng kế hoạch, kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm minh các sai phạm. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực tần số vô tuyến điện tại địa phương.
Tại hội nghị, đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông đã nêu ý kiến và đề xuất các kiến nghị để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và làm tốt hơn công tác phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện trong giai đoạn tới. Các vấn đề được đặc biệt quan tâm là việc quản lý đối với các đối tượng là đơn vị sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ lưu động hàng hải (đài tàu biển, tàu sông biển) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; một số Đài TTKD còn chưa tuân thủ tốt các quy định về sử dụng tần số, vi phạm các quy định về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; việc quản lý, giám sát chất lượng các thiết bị vô tuyến điện công suất thấp miễn cấp phép trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.
Trong năm 2024, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản liên quan đến tần số và thiết bị vô tuyến điện nhằm đáp ứng đòi hỏi trong thời kỳ mới, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các cá nhân, tổ chức sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố quản lý.
Tiếp tục triển khai tổ chức hướng dẫn hỗ trợ cho chủ tàu cá thực hiện các thủ tục xin cấp phép sử dụng thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu cá tại các địa điểm còn nhiều chủ tàu chưa có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giải quyết hiệu quả can nhiễu mạng thông tin vô tuyến điện; phối hợp tổ chức kiểm soát, phát hiện và xử lý các đối tượng sử dụng BTS giả. Đồng thời, tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Triển khai xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức/cá nhân sử dụng; sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thiết bị vô tuyến điện được miễn cấp phép; thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có khả năng mất an toàn không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.