Print Thứ Tư, 31/07/2024 13:54 Gốc

Sáng 31/7, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 3/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” (sau đây gọi tắt là Kết luận số 100- KL/TW).

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện, đúng thực tế, khách quan tình hình triển khai, thực hiện; những kết quả nổi bật, những khó khăn, hạn chế, bất cập, điểm nghẽn, bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư về việc “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Đồng thời, phát hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo cần nhân rộng; qua đó đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự, chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành và Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy; Đảng ủy trực thuộc Trung ương; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và đội ngũ cán bộ làm công tác DLXH và cộng tác viên dư luận xã hội Trung ương và địa phương.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu chào mừng Hội nghị.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy khẳng định, công tác tuyên giáo nói chung, công tác nghiên cứu, nắm bắt, phân tích, dự báo và định hướng dư luận xã hội là khâu rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo, quản lý và điều hành xã hội. Công tác nắm bắt dư luận luôn đi trước, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước vào cuộc sống, tháo gỡ những vướng mắc về tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự điều hành quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Việc nắm dư luận xã hội giúp cho các cấp ủy đảng và chính quyền định hướng và lập kế hoạch công tác trong mọi lĩnh vực trong quá trình lãnh đạo, quản lý phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người dân, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp kịp thời vào cuộc xử lý, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đặc biệt là những vấn đề bức xúc phát sinh, qua đó xây dựng niềm tin và tình cảm của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nêu rõ, từ thực tiễn từ thành phố Hải Phòng cho thấy, rất nhiều quyết sách, chỉ đạo của Thành ủy khởi nguồn từ việc nắm bắt dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện, như Nghị quyết số 09 của Thành ủy về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030, hay gần đây nhất là Nghị quyết của Ban Thường vụ về lãnh đạo thực hiện các giải pháp cấp nước sạch nông thôn. Qua đó tăng cường sự thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, là động lực thuận lợi thúc đẩy việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố hướng tới các mục tiêu Hải Phòng “cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030, khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Các đại biểu dự Hội nghị trao đổi, thảo luân bên lề Hội nghị.

Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, Hội nghị dành nhiều thời gian nghe các đại biểu thảo luận, phân tích về những nội dung được đề cập trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, khẳng định công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội đã có những chuyển biến tích cực và đạt được các kết quả khá toàn diện. Cụ thể, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục được nâng lên, khẳng định đây là nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Tổ chức bộ máy làm công tác DLXH được kiện toàn; đội ngũ cán bộ và cộng tác viên DLXH ở Trung ương và địa phương tiếp tục được củng cố, mở rộng, hoạt động có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Số lượng, chất lượng các cuộc điều tra, thăm dò, các báo cáo nhanh DLXH ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Từ năm 2014 đến tháng 7/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức 100 cuộc điều tra và gửi báo cáo kết quả tới các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, xây dựng hàng trăm báo cáo nhanh (phản ánh hơn 600 vấn đề của xã hội) gửi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các địa phương, đơn vị đã tổ chức 1093 cuộc điều tra, hơn 17.000 báo cáo gửi cấp ủy địa phương, đơn vị. Nội dung phản ánh những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là các sự việc, sự kiện có tầm ảnh hưởng, liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các vấn đề nóng, bức xúc, nổi cộm trong xã hội. Công tác nắm bắt, phản ánh, định hướng dư luận xã hội đã đi vào nền nếp, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp có thêm thông tin đánh giá sát thực tình hình tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân. Công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ DLXH được quan tâm, triển khai theo hướng coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, bám sát yêu cầu nhiệm vụ; cập nhật kiến thức, phương pháp mới về điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội cũng còn một số vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền quan tâm, như: Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được coi là một khâu thiết yếu trong quy trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kể cả ở cấp Trung ương. Về tổng thể, hằng năm số lượng các cuộc điều tra, thăm dò DLXH tuy có tăng song chưa nhiều. Việc nắm bắt DLXH đôi khi chưa nhanh nhạy, kịp thời, chưa phân tích, đi sâu tìm hiểu, lý giải nguyên nhân của các luồng ý kiến khác nhau. Tính phát hiện, dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đề xuất, kiến nghị chưa nhiều. Đội ngũ cộng tác viên DLXH đông nhưng chưa mạnh, chất lượng chưa đồng đều. Hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để bổ sung, phát triển một số vấn đề lý luận và phương pháp điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH chưa nhiều. Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác DLXH còn hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội thời gian qua. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp; ngành Tuyên giáo; cán bộ và cộng tác viên dư luận xã hội các cấp tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Viện Dư luận xã hội tiếp thu đầy đủ ý kiến quý báu, sâu sắc của các đại biểu; tập trung hoàn thiện thật tốt Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100- KL/TW. Trên cơ sở đó, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dư luận xã hội.

Thứ hai, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội.

Thứ ba, công tác dư luận xã hội phải bám sát nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương và ngành, bám sát “hơi thở” của cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, bảo đảm khoa học, chính xác, khách quan, toàn diện và độ tin cậy cao.

Thứ năm, quan tâm củng cố, nâng cấp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác dư luận xã hội và cộng tác viên dư luận xã hội các cấp.

Các tập thể và cá nhân được khen thưởng.

Tại Hội nghị, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen cho 22 tập thể, 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.

Trước đó, các đại biểu đã được tham quan thực tế tại Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Minh Hảo

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư về Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác