Print Thứ Sáu, 24/05/2019 15:24

Sáng 24/5, tại Khách sạn Sao Mai (quận Đồ Sơn), Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VI – năm 2019. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố; về phía Bộ Công Thương có các đồng chí: Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương. Tham dự có đại diện lãnh đạo UBND 28 tỉnh, thành; lãnh đạo Sở Công Thương 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.


Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương), thời gian qua công nghiệp, thương mại của 28 tỉnh, thành phố phía Bắc có sự tăng trưởng khá nhanh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế khu vực phía Bắc cũng như của cả nước. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng tăng trưởng 14,9%, 4 tháng đầu năm 2019 tăng 9,7%. Nhiều địa phương thể hiện được vai trò đầu tàu về phát triển công nghiệp của vùng và cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Tĩnh. Đáng chú ý, số khu công nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện có 402 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 14,521 ha, thu hút được 6.553 dự án đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho khoảng trên 382.000 lao động.

Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Bắc năm 2018 tăng trưởng 11,8%, 4 tháng đầu năm tăng 13%. Trong đó, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn khu vực: Hòa Bình tăng 19,3%, Quảng Ninh tăng 18,6%, Điện Biên tăng 17%, Hà Nam tăng 15,2%, Hải Phòng tăng 14,91%, Vĩnh Phúc tăng 14,3%, Phú Thọ tăng 14,1%… Các địa phương chiếm tỷ trọng cao trong toàn khu vực là Hà Nội với 33,96%, Hải Phòng chiếm 7,79%; Thanh Hóa chiếm 6,29%; Quảng Ninh chiếm 5,86%, Nghệ An chiếm 5,29%. Kim ngạch xuất khẩu cũng liên tục tăng nhanh, năm 2018 đạt mức tăng trưởng 18,2%. Trong đó, các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, chiếm tỷ trọng lớn so với toàn khu vực là Bắc Ninh đạt 34,9 tỷ USD, chiếm 27,46%; Thái Nguyên đạt 25 tỷ USD chiếm 19,72%; Hà Nội đạt 14,2 tỷ USD, chiếm 11,2%, Hải Phòng đạt 11,6 tỷ USD chiếm 9,15%. Ở tất cả các địa phương, các loại hình thương mại văn minh, hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại từng bước làm thay đổi nhận thức và thói quen mua sắm của người dân.

Công tác quản lý nhà nước về công thương của các tỉnh, thành phố cũng không ngừng được đổi mới, ngày càng trưởng thành, hiệu quả cao, nhất là trong quản lý, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng chương trình, đề án phát triển ngành Công Thương, quản lý hoạt động sản xuất công nghiệp, quản lý năng lượng, quản lý kỹ thuật, an toàn và môi trường; quản lý thương mại, xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế; xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả hoạt động công thương của 28 tỉnh, thành phố phía Bắc còn nhiều hạn chế: chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp yếu. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp còn chậm. Cung cầu hàng hóa tuy được bảo đảm nhưng thiếu tính bền vững do thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư nhưng còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Chưa hình thành được một hệ thống các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa lớn, hoạt động có hiệu quả. Công tác xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu của thị trường còn nhiều hạn chế dẫn đến hàng hóa sản xuất ra bị dư thừa hoặc thiếu hụt so với nhu cầu của thị trường. Xuất khẩu tăng trưởng phần lớn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm…

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ cho các tháng còn lại năm 2019, ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cần thực hiện 19 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội đã được đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại. Triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển của Trung ương và địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất… từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công Thương các tỉnh, thành phố. Đẩy mạng công tác tuyên truyền; cải cách hành chính; chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công thương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VI là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ngành cũng như thành phố Hải Phòng, thông qua Hội nghị để đánh giá kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của toàn ngành Công thương khu vực phía Bắc năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, triển khai các giải pháp những tháng cuối năm. Đây cũng là cơ hội cho các Sở Công Thương trong khu vực giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đề xuất các giải pháp phối hợp, liên kết, khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời kiến nghị, tham mưu với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình điều hành quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành cũng thông tin một số nét cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của thành phố, đặc biệt là tình hình phát triển các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: liên kết, hợp tác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, thương mại các tỉnh, thành phố phía Bắc, phát huy vai trò của các địa phương đầu tàu như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… kéo theo sự phát triển cho các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là khu vực miền núi, khu vực đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Cùng với việc thực hiện 19 nhóm nhiệm vụ giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2019, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, vận động xúc tiến đầu tư, kinh nghiệm giải quyết khó khăn cho các dự án công nghiệp; cung cấp thông tin về năng lực, các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn; cơ chế phối hợp với Ban Quản lý khu, cụm công nghiệp; công tác xây dựng, triển khai quy hoạch, đề án phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại, thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công. Các Sở Công Thương thường xuyên thông tin và trao đổi, mời các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu cấp khu vực cũng như cấp vùng.

Nguyễn Hải

Nguồn. haiphong.gov.vn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác