Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên-môi trường khu vực phía Bắc: Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý tài nguyên – môi trường

Các tỉnh, thành phố mới phản ánh bất cập, hạn chế trong quản lý điều hành, chưa có nhiều mô hình, cách giải quyết vấn đề của mỗi địa phương.

Sáng 13-8, tại Trung tâm hội nghị thành phố, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TNMT) chủ trì hội nghị giao ban công tác quản lý TNMT, giai đoạn 2016-2018 với 31 Sở TNMT khu vực phía Bắc. Hội nghị đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước về TNMT tại các địa phương giai đoạn 2016-2018; bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương và toàn vùng; đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý về TNMT giai đoạn 2019-2021. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và lãnh đạo các Sở TNMT khu vực phía Bắc. Đây là lần đầu Bộ TNMT tổ chức hội nghị giao ban về công tác quản lý TNMT khu vực phía Bắc.


Đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường và Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành  ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đại biểu dự Hội nghị

Dự hội nghị, thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành  ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố.

Tiếp nhận phản ánh vướng mắc của 28 tỉnh, thành phố

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ TNMT, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và lãnh đạo các Sở TNMT đề xuất, phản ánh, trao đổi về các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực ngành TNMT cũng như các giải pháp về các vấn đề quan trọng của ngành từ trung ương tới địa phương. Có 28 tỉnh, thành phố có kiến nghị, phản ánh. Các ý kiến tập trung vào những vấn đề: Xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường chưa theo kịp tốc độ phát triển, có tình trạng xung đột pháp luật giữa Luật Đất đai với các Luật Đầu tư, Đấu thầu, Đầu tư công. Việc thực hiện cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Về môi trường, các ý kiến nêu rõ, việc thực hiện các quy định về quản lý nhập khẩu phế liệu chưa chặt chẽ, thiếu những biện pháp phòng ngừa nhà đầu tư nước ngoài đưa  công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường và phế thải vào Việt Nam. Quy định pháp luật liên quan đến cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển, phê duyệt quy hoạch sử dụng không gian biển, trong đó có các khu vực tiếp nhận vật liệu nạo vét chưa đầy đủ. Việc hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở đã đi vào hoạt động sau ngày 1-4-2015 nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt chưa đầy đủ, thường xuyên…


Các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đại biểu dự hội nghịẢnh: Duy Thính

Các vấn đề về công tác hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; kiện toàn tổ chức cán bộ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối toàn ngành TNMT… cũng được các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội nghị.

Giám đốc Sở TNMT Hải Phòng Trần Văn Phương có ý kiến: Về lĩnh vực đất đai, thành phố Hải Phòng đổi mới  công tác đo vẽ gắn với xác minh nguồn gốc đất, góp phần rút ngắn thời gian kiểm kê, lập phương án bồi thường. Đồng thời, hoàn  thành thủ tục tinh giản biên chế; xây dựng đề án vị trí việc làm. Đồng chí Trần Văn Phương kiến nghị, trung ương xem xét cơ chế đối với  nhà đầu tư lớn, có năng lực uy tín khi thực hiện các công trình, dự án trọng điểm không phải qua hình thức đấu thầu. Xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về quản lý TNMT

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Hội nghị giao ban nhằm tháo gỡ khó khăn, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, đồng thời giúp Bộ TNMT hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, pháp luật và công tác quản lý TNMT từ trung ương đến các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố mới phản ánh bất cập, hạn chế trong quản lý điều hành, chưa có nhiều mô hình, cách giải quyết vấn đề của mỗi địa phương.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ TNMT tiếp tục rà soát nghị quyết trung ương, đến các quy định, pháp luật liên quan lĩnh vực TNMT; xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý TNMT. Trước hết, Bộ tập trung hoàn thiện sửa đổi các Luật Đất đai, Luật Môi trường. Đối với những vấn đề vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT tổng hợp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung. Đối với những vấn đề thuộc chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định của luật, Bộ ghi nhận để báo cáo đề xuất Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội phương án giải quyết. Đồng thời, Bộ TNMT xây dựng đề án đánh giá về thực trạng bộ máy, xây dựng hoàn thiện bộ máy, tổ chức phù hợp theo Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa 12); xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý ngành TNMT, đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên sâu; xây dựng các tổ chức dịch vụ công đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân; cải thiện điều kiện làm việc cán bộ, công chức.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố: Thời gian gần đây, Hải Phòng có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá. Sau ½ nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15, thành phố có nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra, đáng kể như thu nội địa, sản lượng hàng hóa qua cảng, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị…Nhiều công trình giao thông kết nối vùng được thực hiện. Đô thị được chỉnh trang phát triển 3 hướng đột phá. Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh của Hải Phòng thuộc tốp 10 của cả nước, tăng 25 bậc so với năm 2015. Hải Phòng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án đầu tư với giá trị hàng tỷ đô la được thực hiện. Cùng với phát triển kinh tế, Hải Phòng rất coi trọng quản lý, bảo vệ TNMT, đặc biệt quản lý đất đai, môi trường và khoáng sản, bảo vệ nguồn nước, quản lý các nguồn gây ô nhiễm, quản lý hàng nhập khẩu qua Cảng Hải phòng, triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thành phố Hải Phòng mong muốn phối hợp với Bộ TNMT tổ chức các hội nghị, hội thảo để tìm các giải pháp cho Hải Phòng và cả nước, nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần phát triển bền vững.     

  

Đồng chí yêu cầu Sở TNMT các tỉnh, thành phố sử dụng hiệu quả “công cụ” báo cáo đánh giá tác động môi trường trong việc phê duyệt dự án đầu tư.  Việc nhập khẩu phế liệu, chỉ những cơ sở có nhu cầu sử dụng phế liệu, có đủ năng lực theo quy định mới được cấp phép nhập khẩu phế liệu. Các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát thu hồi giấy phép của những doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu, tập trung kiểm soát tốt những cơ sở sản xuất có khả năng xảy ra sự cố môi trường. Năm 2019, các tỉnh, thành phố chủ động kiểm tra, rà soát hoạt động quản lý sử dụng đất trên địa bàn, nhất là những dự án lớn, tham mưu với thành phố có giải pháp quản lý sử dụng hiệu quả cao. Bộ TNMT xây dựng quy chế đánh giá hiệu quả hoạt động đối với  các Sở TNMT, đồng thời, tăng cường hoạt động giao lưu với các cơ quan trực thuộc Bộ và Sở TNMT các tỉnh, thành phố, tạo sự gắn kết trong hoạt động, điều hành, cùng giám sát quy trình thực hiện, bảo đảm các cuộc giao ban của ngành đạt hiệu quả cao hơn.

Báo Hải Phòng 13/08/2018

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More