Print Thứ Năm, 14/04/2022 11:55 Gốc

Sáng 14/4, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị cho ý kiến về Báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2030.

Các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đồng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Thành ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và đại diện Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đơn vị lập Quy hoạch thành phố. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu quận, huyện ủy.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright đã trình bày Báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2030. Trong đó đã nhấn mạnh về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với Hải Phòng. Các điểm mạnh được các chuyên gia đánh giá đối với Hải Phòng đó là: Có vị trí địa lý là cửa ngõ của miền Bắc, gần với thị trường Trung Quốc; hạ tầng giao thông hoàn thiện; lao động có trình độ tương đối cao và tác phong công nghiệp so với địa phương lân cận; truyền thống là một đô thị lớn, có nền tảng để phát triển kinh tế đô thị; sự chủ động của chính quyền thành phố nhằm phát huy truyền thống dám nghĩ dám làm và nhận được sự ủng hộ của Trung ương.

Các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đồng chủ trì Hội nghị.

Báo cáo cũng chỉ ra một số điểm yếu của thành phố như: Thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, khó thu hút lao động chất lượng cao; quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp không đủ dồi dào và chi phí thu hồi ngày càng cao; giao thông đường sắt, hàng không, thủy nội địa chưa phát triển; đô thị chưa phát triển, hạ tầng xã hội còn khoảng cách rất xa với hai trung tâm lớn nhất cả nước, đặc biệt là thiếu các trường đại học lớn, chất lượng hệ thống bệnh viện chưa cao; dịch vụ chậm phát triển, đặc biệt là các dịch vụ hiện đại như tài chính, ngân hàng, dịch vụ pháp lý, hỗ trợ kinh doanh; lực lượng doanh nghiệp nội địa chậm phát triển.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo tại Hội nghị.

Từ góc độ chính sách, các chuyên gia đã đưa ra 7 nhân tố có tính chiến lược đối với Hải Phòng bao gồm: Khai thác ưu thế của vị trí độc đáo, kết nối với thị trường trong và ngoài nước, đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, chính quyền hiệu quả và hiệu lực, trở thành một đô thị hiện đại và hấp dẫn.

Với vị thế mong muốn trở thành trung tâm phát triển thứ ba của cả nước và kỳ vọng cao của Trung ương thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 45, Hải Phòng không chỉ phát triển cho riêng mình mà cần phải có các sáng kiến mang tính chiến lược cho toàn vùng, thậm chí có thể áp dụng cho toàn quốc. Thêm vào đó, việc triển khai các chính sách có ý nghĩa sau khi Trung ương trao cơ chế đặc thù là hết sức quan trọng. Trong bối cảnh hiện tại, hình thành trung tâm đô thị kết nối theo hướng mở gắn với ý tưởng khu thương mại tự do kiểu mới, khai thác giá trị từ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng và liên kết hợp tác với các địa phương trong vùng là các sáng kiến có tính khả thi cao.

Các chuyên gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Các chuyên gia cho rằng, để có thể tạo dựng và phát huy 7 vấn đề chiến lược này, Hải Phòng cần xét xét lựa chọn và triển khai các dự án hoặc chương trình mang tính chiến lược gồm: Xây dựng đô thị trung tâm 4.0 gắn với cụm ngành dịch vụ trụ sở và hỗ trợ kinh doanh. Nâng cấp cụm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Phát triển cụm ngành logistics nhằm phát huy lợi thế của thành phố cảng. Hình thành cụm ngành du lịch. Phát triển hạ tầng xã hội, đặc biệt là y tế và giáo dục. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng số. Xây dựng chính quyền hiệu quả và hiệu lực với trọng tâm là chính quyền điện tử và cơ chế để khuyến khích đội ngũ làm việc.

Song song với 7 vấn đề chiến lược này, Hải Phòng cũng cần có chiến lược và cách thức marketing địa phương một cách hợp lý. Hải Phòng cần có các sáng kiến có thể nhân rộng cho các địa phương khác trong cả nước. Trong đó, xây dựng đô thị trung tâm 4.0, khai thác giá trị từ đất cho phát triển hạ tầng, và cơ chế hợp tác giữa các địa phương là những vấn đề khả thi.

Các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố và các đại biểu đều đánh giá cao Báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2030 với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã nêu rõ được vị trí, khát vọng, điểm mạnh, điểm yếu, năng lực cạnh tranh, thách thức của thành phố Hải Phòng hiện nay và đưa ra được những vấn đề chiến lược đối với Hải Phòng. Đồng thời đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc bổ sung vào Báo cáo và cho rằng, nếu Hải Phòng có thể triển khai được các định hướng và lựa chọn chiến lược được đề xuất trong Báo cáo, một Hải Phòng xác định được đúng vai trò và vị thế của mình sẽ được hình thành, trung tâm phát triển thứ ba của cả nước sẽ được hình thành và khẳng định được vai trò của mình.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy đánh giá cao Báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2030 của nhóm chuyên gia với những nghiên cứu khoa học, khách quan, nghiêm túc, trách nhiệm, chất lượng cao. Đồng chí cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố và các đại biểu dự Hội nghị và đề nghị nhóm chuyên gia tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, qua đó tìm kiếm sự đồng thuận cao, từ đó xác định được Hải Phòng đang đứng ở đâu và đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức gì để tìm được hướng đi phù hợp trong tương lai.

Đồng chí Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những nội dung trong Báo cáo nghiên cứu này để xây dựng chính sách cũng như trong việc tham mưu cho Thành ủy những vấn đề liên quan đến sự phát triển của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến liên quan đến sự phát triển của thành phố, đặc biệt là những ý tưởng mới, sáng tạo sẽ được thành phố ghi nhận và áp dụng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo.

Hoàng Tùng. Ảnh: Đàm Thanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hội nghị cho ý kiến về Báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2030
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác