Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề, hệ “3 năm 2 bằng”: Bằng văn hóa trình độ THPT và bằng nghề hệ trung cấp. Điều này giúp học sinh tiết kiệm thời gian, gia đình tiết kiệm chi phí, sớm bổ sung lực lượng lao động có tay nghề cho thị trường lao động. Đây là xu hướng học nghề được nhiều học sinh lựa chọn trong khoảng 4 năm gần đây.
Nhiều lựa chọn phù hợp
Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, đối với học sinh tốt nghiệp THCS học hệ trung cấp nghề, các em có thể lựa chọn 2 phương án học nghề. Một là học song song văn hóa trình độ THPT và học nghề, các em sẽ có nửa thời gian học văn hóa với các môn cơ bản và một nửa thời gian học nghề. Sau 3 năm học, các em nhận được 2 bằng tốt nghiệp văn hóa trình độ THPT và bằng trung cấp nghề. Hai là, với những học sinh không có nhu cầu học văn hóa, các em có thể chọn chỉ học nghề và thời gian học ít hơn. Quy định này tạo cơ hội cho những học sinh muốn học nghề, nhưng không thích học văn hóa, bởi việc học văn hóa không phù hợp với năng lực tiếp thu của các em.
Đối với việc học trung cấp nghề, nhiều trường trung cấp, cao đẳng phối hợp, tổ chức các lớp học trung cấp nghề ngay tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên quận, huyện để học sinh đi lại thuận tiện hơn. Như Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo mở các lớp trung cấp nghề. Trường cao đẳng Giao thông-Vận tải trung ương 2, Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thủy sản, Trường cao đẳng VMU… mở các lớp trung cấp nghề hệ 3 năm 2 bằng tại trụ sở của trường. Theo hướng này trong năm học 2018-2019 là nhiều trường không chỉ tuyển đủ mà còn vượt chỉ tiêu đề ra. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kiến Thụy Phạm Hữu Kiên cho biết, năm học 2018- 2019, trung tâm phối hợp với Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng tuyển được 3 lớp trung cấp nghề, nhiều hơn 1 lớp so với năm học 2017-2018. Trường cao đẳng Giao thông-Vận tải trung ương 2 tuyển được hơn 10 lớp trung cấp nghề, trong đó một số nghề có số lượng học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu đề ra như nghề điện công nghiệp, công nghệ ô tô. Xu hướng học trung cấp nghề theo hình thức 3 năm 2 bằng ngày càng nhiều học sinh lựa chọn trong thời gian tới.
Đáp ứng yêu cầu liên thông, bằng cấp
Một trong những ưu việt của hình thức học trung cấp nghề “3 năm 2 bằng” là với học sinh nếu lựa chọn học văn hóa kết hợp học nghề, sau khi tốt nghiệp các em có thể học liên thông lên cao đẳng nghề để đạt trình độ tay nghề, bằng cấp cao hơn nếu có nhu cầu. Ngoài ra, học sinh học trung cấp nghề 3 năm 2 bằng được nhà nước hỗ trợ học phí học nghề 100%, chương trình dạy nghề và thực hành nghề theo giáo trình nghề nghiệp chuẩn, được thực hành 50- 70% trong thời gian học nghề. Việc thực hành thông qua máy móc, thiết bị do cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư kết hợp thực tập thực tế tại các xưởng sản xuất, công trường, doanh nghiệp. “Nếu có ý thức thực hành đầy đủ, chăm chỉ tiếp thu bài, với hệ trung cấp nghề khi ra trường các em có đầy đủ tay nghề làm việc theo yêu cầu, phù hợp với trình độ được đào tạo”, cô giáo Nguyễn Thị Then, giáo viên lớp Điện lạnh 88, Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng cho biết.
Theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông Vận tải trung ương 2 Hoàng Văn Dũng, học trung cấp nghề sau ngay khi học sinh tốt nghiệp THCS tiết kiệm được thời gian học ít nhất 1,5-2 năm so với học sinh tốt nghiệp THPT mới học trung cấp nghề. Điều này có nghĩa các em sẽ tham gia thị trường lao động và có thu nhập sớm hơn so với học sinh học xong THPT mới đi học nghề. Về vấn đề kinh phí, học sinh tốt nghiệp THCS học nghề được miễn phí học nghề trong quá trình học, còn học sinh tốt nghiệp THPT học trung cấp nghề phải đóng cả học phí học nghề. Với “lợi ích kép” của học trung cấp nghề ngay sau THCS, dự báo thời gian tới sẽ có thêm nhiều học sinh chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và phân luồng học sinh sau THCS để một bộ phận học sinh được đào tạo nghề và sớm bổ sung lực lượng lao động cho thị trường, ông Dũng nhấn mạnh.
Bài và ảnh Đức Anh – Báo Hải Phòng