Hải Phòng có 3 trường cao đẳng được đào tạo 6 nghề chuyển giao công nghệ từ Đức do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt. Đó là Trường cao đẳng Giao thông Vận tải trung ương 2 với nghề công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy và điện tàu thủy; Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng với 2 nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn và Quản trị khách sạn; Trường cao đẳng Hàng hải 1 với nghề Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy. Hiện nay, tiêu chuẩn để được xét tuyển hoặc thi tuyển vào học nghề đối với các nghề trọng điểm trình độ quốc tế đòi hỏi khá cao. Theo đó, học sinh phải có trình độ văn hóa từ khá trở lên. Cụ thể, với 1056 sinh viên thuộc 22 nghề trọng điểm chuyển giao từ Đức, đào tạo tại 66 lớp của 45 trường nghề trên địa bàn cả nước, yêu cầu dự tuyển học sinh phải tốt nghiệp THPT trở lên hoặc tương đương (không tuyển học sinh tốt nghiệp THCS); có hạnh kiểm từ khá trở lên; ưu tiên học sinh có học lực khá trở lên trong năm học lớp 12. Chương trình ưu tiên học sinh có khả năng ngoại ngữ. Bởi sinh viên đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao của Đức, giai đoạn học chuyên ngành sẽ được học ngoại ngữ (tiếng Đức hoặc tiếng Anh). Kết thúc khóa học sinh viên đạt được trình độ ngoại ngữ B1 theo khung tham chiếu châu Âu.
Sau thời gian học từ 3 đến 3,5 năm tùy từng nghề, sinh viên được đánh giá kết quả đầu ra. Khi đạt yêu cầu, sinh viên được cấp hai bằng: bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp và bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức). Như vậy, học 1 chương trình nhưng sinh viên nghề sẽ được cấp bằng quốc tế, có giá trị ở tất cả thị trường lao động. Theo Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Ngân, đây là lợi thế đối với chương trình đào tạo nghề được chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển về nghề nghiệp như Đức, Ốt-xtrây-li-a mới được công nhận. Với bằng cấp quốc tế được nhiều nước công nhận, sinh viên có ngoại ngữ tốt, có cơ hội việc làm rộng mở, thậm chí tham gia vào thị trường lao động thế giới với thu nhập ở mức cao. Đây có thể coi như hình thức du học nghề Đức tại chỗ với chi phí hợp lý.
Do đào tạo nghề trọng điểm, trình độ quốc tế được chuyển giao từ Đức nên Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội quy định hết sức chặt chẽ đối với các trường được phê duyệt đào tạo nghề. Như quy định không quá 16 sinh viên/lớp học để tạo điều kiện sinh viên được học tập, thực hành tốt nhất. Các trường đào tạo các nghề được chuyển giao cũng là những trường được ưu tiên đầu tư để trở thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2025, có đội ngũ giáo viên có chuyên môn tốt, kiến thức và kỹ năng trong nghề sâu rộng, thường xuyên phối hợp các doanh nghiệp và làm tốt công tác giới thiệu việc làm. Ngoài ra cơ sở vật chất, phòng, xưởng thực hành, nơi thực tập nghề của sinh viên cũng phải đáp ứng toàn bộ yêu cầu của chương trình.
Do yêu cầu “đầu vào” của các nghề đào tạo trình độ quốc tế khá cao, trong quá trình tuyển sinh, trường nghề phối hợp trường THPT tư vấn kỹ cho học sinh cả về tiêu chuẩn xét tuyển, thi tuyển cũng như quá trình học tập, cơ hội việc làm nhằm thu hút được những học sinh đạt yêu cầu, đáp ứng việc đào tạo. Về mặt ngoại ngữ, ưu tiên các em có khả năng ngoại ngữ tốt, nếu chưa đạt yêu cầu, học sinh có thể trau dồi thêm, hoặc sẽ được học tập, rèn luyện nâng cao sau khi trúng tuyển vào các lớp nghề quốc tế. Thời gian tới, dự kiến một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục đào tạo các lớp nghề quốc tế, do đó học sinh có nhu cầu học nghề quốc tế nên chủ động trang bị các kỹ năng về ngoại ngữ bên cạnh trình độ văn hóa.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông-Vận tải trung ương 2 Nguyễn Văn Tuấn cho biết, để chuẩn bị điều kiện tốt nhất đào tạo 2 nghề chuyển giao từ Đức, nhà trường phối hợp các chuyên gia Đức khảo sát, kiểm tra, đánh giá các điều kiện tổ chức đào tạo. Ngày 30-8 vừa qua, trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Tập đoàn giáo dục đào tạo Avestos trao chứng nhận công nhận là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn Đức.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chuyển giao chương trình không phải chỉ chuyển giao, nhập giáo trình mà là cả bộ chương trình đào tạo trọn gói toàn bộ công nghệ đào tạo (từ chương trình, giáo trình, tài liệu, kế hoạch đào tạo, danh mục thiết bị, nội dung, cách thức kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng quốc tế…). Do đó, giáo viên tham gia giảng dạy các nghề được chuyển giao phải có kỹ năng, ngoại ngữ và tin học tốt. Hầu hết trường đều cử những giáo viên đủ năng lực, kiến thức, kỹ năng tham gia các khóa đào tạo, tập huấn tại Đức sẵn sàng cùng các chuyên gia Đức tổ chức khóa học thành công. Hiện tại, các trường được phép đào tạo nghề quốc tế chuyển giao từ Đức đang trong giai đoạn tuyển sinh, hoàn tất mọi công tác về giáo viên, cơ sở vật chất để sẵn sàng cho việc khai giảng lớp, dự kiến bắt đầu từ tháng 11 tới.
Bài và ảnh: Huyền Chi
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More