Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:30

Ngày 22-7 vừa qua, Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé trai 2 tuổi ở Nam Định nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu do não bị tổn thương không phục hồi vì thiếu oxy sau hóc dị vật. Vụ việc một lần nữa nhắc nhở các bậc cha mẹ phòng tránh và xử lý trẻ hóc dị vật.

 

Cháu Bùi Đức Trung, 18 tháng tuổi, ở thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong (huyện An Dương) ổn định sức khỏe sau khi bị hóc hạt na, được cấp cứu tại Bệnh viện  trẻ em Hải Phòng.

Không được chủ quan

Trong vụ việc trên, theo người nhà bệnh nhân kể lại, lúc đi học về, cháu được người chú ruột cho ăn nhãn. Do lúc đang ăn, cháu bé bật cười dẫn đến ho sặc làm hạt nhãn rơi vào đường thở khiến người tím tái. Cháu bé được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Nam Định, các bác sĩ phát hiện một hạt nhãn nằm ngay nắp thanh môn gây tắc đường thở. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé hôn mê sâu, tổn thương não, rơi vào tình trạng sống thực vật.

Tại Hải Phòng, thời gian qua cũng xảy ra một số vụ trẻ bị hóc dị vật. Đơn cử, vụ hóc dị vật của cháu Bùi Đức Trung, 18 tháng tuổi, ở thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong (huyện An Dương) xảy ra hồi tháng 9-2017. Cháu Trung được chuyển vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng với biểu hiện ho khò khè, thở nhanh, thiếu oxy. Sau đó, bác sĩ phát hiện và gắp ra một hạt na tại đường thở của cháu. Trước đó, ngày 2-5-2017, cháu Nguyễn Phương Thảo, 9 tháng tuổi, ở phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) cũng phải cấp cứu tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng do bị hóc dị vật nằm sâu trong đường thở, toàn thân tím tái. Khi đến bệnh viện, cháu bị suy hô hấp độ 2, có nguy cơ tử vong cao. Chiều cùng ngày, cháu được mẹ cho chơi sạc điện thoại di động. Khi thấy Thảo cho đầu sạc vào miệng, mẹ cháu quát to làm cháu giật mình, nuốt đầu sạc vào miệng và ho sặc sụa, khó thở. Rất may, sau khi gắp dị vật ra khỏi đường thở, sức khỏe cháu Thảo phục hồi tốt. Hay vụ việc ngày 25-1-2017, cháu Phạm Hà Linh, 18 tháng tuổi, ở quận Đồ Sơn, cấp cứu tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng do bị hóc mảnh xương cá, gây suy hô hấp, có nguy cơ gây thủng phổi, áp xe phổi và tử vong. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng nội soi phế quản ống mềm, gắp thành công mảnh xương cá ở góc phế quản phải…

Phòng, tránh và cách xử lý ban đầu

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Phụ trách Khoa Y học gia đình (Bệnh viện Đại học Y Dược Hải Phòng) cho biết: Trẻ hóc dị vật không phải là hiếm gặp, bởi khi dưới 5 tuổi, trẻ thường tò mò, hiếu động, có thói quen cho bất cứ vật gì cầm trên tay vào miệng. Dị vật khi rơi xuống đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. Do đó, các bậc cha mẹ nên chú ý trước khi cho trẻ ăn các loại quả có hạt phải gỡ bỏ các hạt, hoặc xương trong thức ăn. Cho trẻ ăn chậm, không gây cười hoặc quát tháo khiến cho trẻ cười hoặc khóc dễ bị hóc, sặc. Đồng thời quan tâm trông trẻ, không cho các bé chơi những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ. Trong nhà hoặc phòng của bé chơi phải sạch sẽ, không có các vật thể, như: Viên bi, pin, kèn, ngòi bút, lò xo… vì các bé thường có thói quen bỏ vật lạ vào miệng, mũi, tai. Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc thì phải nhẹ nhàng, dỗ cho trẻ tự nhè ra; không được quát tháo, la hét làm cho trẻ sợ, khóc dễ nuốt dị vật vào đường ăn hoặc hít dị vật vào đường thở. Đối với trường hợp trẻ sặc chất lỏng như cháo, bột, sữa bị khó thở, tím tái, thì nhanh chóng dốc ngược trẻ, vỗ lưng để trẻ ho tống các chất này ra khỏi đường thở. Đặc biệt lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, người lớn không được chữa mẹo, không gây nôn, không cho ăn, uống thêm, tuyệt đối không bế nằm ngửa, không dùng tay móc họng để lấy dị vật, điều này rất nguy hiểm cho trẻ. Ngay lúc đó, người lớn cần lập tức đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, xử lý kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Báo Hải Phòng 13/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hóc dị vật ở trẻ nhỏ: Hậu quả khôn lường
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác