Hiện nay, tình trạng các trường đưa ra nhiều chương trình liên kết, chương trình học tăng cường, kỹ năng sống… đang diễn ra phổ biến. Học sinh tiểu học phải học thêm rất nhiều, khiến phụ huynh đặt ra câu hỏi, liệu có phải chương trình mới không đảm bảo kiến thức, khiến nhà trường phải đưa các đơn vị liên kết vào giảng dạy?
Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 về vấn đề này.
Thay đổi lớn nhất của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 về tổ chức dạy học ở cấp tiểu học (TH) là thực hiện học 2 buổi/ngày. Tăng buổi học có đồng nghĩa tăng kiến thức không, thưa ông?
Chương trình GDPT 2018 bố trí hai buổi học/ngày đối với học sinh TH vì một số lí do sau đây:
Theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh từ 7-15 tuổi ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, thời lượng học của học sinh TH và THCS theo Chương trình GDPT 2006 của Việt Nam là 5.424 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 2.051 giờ, tương đương 3.516 tiết học ở TH hoặc 2.735 tiết học ở THCS.
Dù thời gian học tập ít hơn nhưng học sinh nước ta vẫn phải đảm bảo mặt bằng kiến thức tương đương với các nước, vì nếu không đáp ứng được tiêu chí này thì các nước khó lòng công nhận bằng tốt nghiệp phổ thông của Việt Nam tương đương với họ và điều đó sẽ gây khó khăn cho học sinh Việt Nam đi du học.
Như vậy là cùng phải đạt mặt bằng kiến thức, kĩ năng như nhau mà riêng ở TH và THCS, học sinh Việt Nam đã học ít hơn học sinh các nước OECD trên dưới 3.000 tiết học thì khó tránh được quá tải. Tăng thời lượng học lên 2 buổi/ngày là một biện pháp giảm tải. Nhưng cùng lúc tổ chức cho cả ba cấp học 2 buổi/ngày như ở các nước phát triển thì chưa phù hợp với điều kiện của nước ta, vì vậy, Chương trình GDPT 2018 chỉ quy định học 2 buổi/ngày ở cấp TH.
Việc tăng số buổi học lên nhằm tạo điều kiện cho học sinh được vui chơi, giải trí, tăng khả năng tự học, hạn chế việc các em phải học thêm buổi tối ở nhà.
Học sinh ở bậc TH còn nhỏ, nếu chỉ học 1 buổi/ngày, phụ huynh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, quản lý con ngoài giờ học. Dạy học 2 buổi/ngày cũng là cách các nhà trường san sẻ, hỗ trợ phụ huynh quản lý con em mình.
Thực tế tại nhiều trường học, việc dạy thêm, học thêm được biến tướng dưới nhiều hình thức. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo quy định của Chương trình GDPT 2018, mỗi tuần, học sinh lớp 1, lớp 2 chỉ học 25 tiết, tức là dư ra 10 tiết; học sinh lớp 3 học 28 tiết, dư ra 7 tiết; học sinh lớp 4, lớp 5 học 30 tiết, dư ra 5 tiết. Thời gian dư ra là để nhà trường tổ chức học các môn tự chọn (Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc thiểu số, nếu địa phương có nhu cầu và nhà trường có điều kiện đáp ứng) và tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ.
Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh học sinh, hiện nay, một số trường đang sử dụng thời gian không học các môn bắt buộc này với mục đích khác, như dạy ngoại ngữ tăng cường, dạy một số môn học bằng ngoại ngữ…
Để đánh giá công bằng, trước hết, chúng ta phải nhìn nhận sự thật là nhiều phụ huynh có nguyện vọng cho con học tăng cường tiếng Anh, học một số môn như Toán, Khoa học bằng tiếng Anh… Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng và các trường với quyền tự chủ theo quy định có thể đáp ứng nguyện vọng chính đáng này.
Tuy nhiên, các trường không có quyền ép học sinh phải học thêm các chương trình liên kết, kỹ năng sống… Không thể giữ kiểu tổ chức lớp học cứng nhắc như trước đây, “lùa” tất cả học sinh một lớp vào cùng một lớp học tăng cường.
Nhà trường phải tôn trọng tâm tư, nguyện vọng của mỗi học sinh. Những học sinh có năng khiếu hoặc sở thích về thể thao, nghệ thuật có thể tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ do nhà trường tổ chức (miễn phí), tham gia các lớp học bóng, học đàn, học kịch… Những học sinh có nguyện vọng tăng cường Tiếng Anh thì tham gia lớp học Tiếng Anh. Nói tóm lại, nhà trường có thể tổ chức các lớp học đa dạng, giúp học sinh phát triển năng khiếu, sở trường, đáp ứng nguyện vọng của các em và cha mẹ các em. Nhưng việc này phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Không thể bắt ép học sinh dưới bất kì hình thức nào.
Ông có đề xuất giải pháp nào để việc liên kết giáo dục bảo đảm chất lượng?
Theo tôi, khi tuyển sinh vào đầu năm học, các trường cần công khai chương trình giáo dục, trong đó có các môn học bắt buộc theo Chương trình GDPT và các hoạt động tự nguyện để phụ huynh học sinh lựa chọn.
Các trường có thể liên kết với các trung tâm giáo dục để thực hiện một số nội dung tăng cường theo nguyện vọng của phụ huynh và học sinh. Nhưng các trung tâm đó phải có chức năng giáo dục. Các chương trình học tập phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận mới có thể đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Giữa nhà trường và trung tâm giáo dục phải có hợp đồng liên kết giáo dục với nội dung phù hợp theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Nhóm PV