Print Thứ bảy, 26/01/2019 16:27

Tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa và triển lãm Hoa Anh đào, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, các buổi biểu diễn giao lưu tại Nhà hát thành phố, Nhà Kèn hay cử các đoàn nghệ thuật sang giao lưu, biểu diễn tại nước ngoài…Đó là những hoạt động nổi bật của thành phố trong năm vừa qua, nhằm quảng bá rộng rãi nét văn hóa độc đáo, riêng có của Hải Phòng.

Từ những lễ hội giao lưu văn hóa

 Nằm trong khuôn khổ hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và triển lãm Hoa Anh đào lần thứ nhất, tổ chức tại Hải Phòng vào giữa tháng 3-2017, chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng-Nhật Bản được người dân và du khách đánh giá cao ở công tác tổ chức cũng như chất lượng nghệ thuật. Trong chương trình này, Đoàn nghệ thuật Nhật Bản biểu diễn 3 tiết mục, gồm múa trống và 2 tiết mục múa đơn. Đáp lại tình cảm của các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản, các nghệ sĩ của Đoàn Chèo, Đoàn Nghệ thuật Múa rối và Đoàn Ca múa đem đến những chương trình đặc sắc, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc, từng làm nao lòng du khách quốc tế, như: hát văn “Mời trầu”, múa hát dân gian đương đại: “Nét ca trù ngày xuân”, “Mùa xuân trảy hội”, “Bức họa đồng quê”, “Sắc xuân Hải Phòng”…Hoạt động giao lưu nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa giữa các nghệ sĩ đến từ hai nước góp phần thúc đẩy ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân giữa Hải Phòng và Nhật Bản.

Chương trình nghệ thuật Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng năm 2017. 						                                                       Ảnh: Đỗ Hiền

Chương trình nghệ thuật Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng năm 2017.

Ảnh: Đỗ Hiền

Là trung tâm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ thường niên, khu vực quảng trường Nhà hát thành phố, Nhà Kèn (vườn hoa Nguyễn Du) cũng thu hút các đoàn khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, các đoàn nghệ thuật dân gian của các tỉnh như Điện Biên, Ninh Bình, Cần Thơ đến giao lưu. Các hoạt động giao lưu biểu diễn phát huy hiệu quả tích cực trong việc giữ gìn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá, tạo ra điểm nhấn về văn hóa, nghệ thuật tại dải trung tâm thành phố, thu hút sự tham gia và hưởng ứng của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, từ tháng 11-2017, Sở Văn hóa-Thể thao khởi động Đề án khôi phục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Nhà Kèn theo Quyết định số 2536 của UBND thành phố. Với sự nỗ lực của các nghệ sĩ, sự ủng hộ của nhân dân, Nhà Kèn tiếp tục trở thành điểm vui chơi, giải trí công cộng, nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật thường xuyên.

Đến việc “đem chuông đi đánh xứ người”

Năm 2017 đánh dấu sự “vươn mình” của các đoàn nghệ thuật truyền thống khi được thành phố cử đi giao lưu biểu diễn tại nước ngoài. Cụ thể, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng được thành phố chọn cử tham dự Liên hoan Múa rối quốc tế châu Á-Thái Bình Dương và các quốc gia khác lần thứ 2 tại thành phố Nam Sung (Trung Quốc); Đoàn Chèo Hải Phòng tham gia Liên hoan quốc tế Nam Ninh 2017 tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc). NSƯT Đỗ Thế Ban, Trưởng đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng cho biết: “Những buổi giao lưu biểu diễn tại nước ngoài của Đoàn góp phần giới thiệu bộ môn nghệ thuật “độc nhất vô nhị” là múa rối nước của Việt Nam ra thế giới. Thực tế mỗi buổi biểu diễn của Đoàn tại thành phố Nam Sung đều thu hút 800-900 người xem. Nhiều người khi biết tin Đoàn biểu diễn, vượt hàng trăm cây số, đội mưa hàng giờ khiến các nghệ sĩ trong Đoàn cảm động”.

Ngoài Đoàn Nghệ thuật Múa rối và Đoàn Chèo, Đoàn Ca múa Hải Phòng cũng đang hướng đến việc dàn dựng các tiết mục dân gian đương đại trên nền dân ca của các quận, huyện như thuyền phềnh, hò qua sông hái củi, hát đúm của Thủy Nguyên; hò gọi nghé của Đồ Sơn… Đây là một hướng đi quan trọng của Đoàn trong năm tới, vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, vừa sẵn sàng “khoe” nét đẹp văn hóa của Hải Phòng với bạn bè muôn nơi trong các sự kiện lớn của thành phố.

Năm 2018, ngành Văn hóa tập trung vào các hoạt động trọng tâm, như: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban Thường vụ Thành ủy khóa 12 về phát triển văn hóa Hải Phòng trong thời kỳ CNH-HĐH; tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước; phát động cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố Hải Phòng lần thứ 6; tổ chức xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 năm 2018…Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Lê Văn Quý, các hoạt động của Sở hướng đến xây dựng nền văn hóa tiên tiến, mang đặc trưng của Hải Phòng, có vị trí xứng đáng trong nền văn hóa Việt Nam và hội nhập văn hóa quốc tế. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng Đề án và tổ chức thành công Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội Chiến thắng Bạch Đằng. Riêng với Lễ hội Hoa Phượng Đỏ- Hải Phòng 2018, lễ hội lớn nhất trong năm của đất Cảng, với vai trò là đơn vị thường trực tổ chức, Sở thống nhất nội dung chủ đề, hiện đang xin ý kiến thành phố trên cơ sở giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của Hải Phòng với bạn bè quốc tế. Mặt khác, chỉ đạo các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp chuẩn bị lực lượng nghệ sĩ, diễn viên, sẵn sàng tham dự các chương trình giao lưu quốc tế khi có cơ hội.

(Báo Hải Phòng Online 04/01/2018)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hoạt động văn hóa – nghệ thuật: Khoe nét đẹp, hút bạn bè
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác