Hoạt động tự phát tại làng nghề chế tác đá ven Quốc lộ 10 huyện An Lão Khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

Khoảng gần 10 năm về đây, nghề chế tác đá ven Quốc lộ 10 (huyện An Lão) phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đời sống người dân địa phương. Song, do phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, làng nghề này gây ô nhiễm môi trường chung quanh trầm trọng.  

 

Phát triển tự phát

 

Làng nghề chế tác đá ở vùng Núi Voi tập trung ven Quốc lộ 10, thuộc 2 xã Trường Thành và An Tiến (huyện An Lão). Trên đoạn ven quốc lộ kéo dài khoảng 3 km từ xã Trường Thành đến xã An Tiến, các khối đá để ngút mắt. Tiếng đục, tiếng chạm, tiếng máy mài đá, xẻ đá ầm ĩ cả đoạn đường. Mặc dù, nhiều xưởng sử dụng nước trong quá trình chế tác đá, nhưng bụi đá trắng xóa bám vào quần áo, mặt người thợ, khu vực xưởng, đường xá, cây cối, nhà cửa gần các cơ sở này. Nước thải chảy tràn trên mặt các xưởng vì không có lối thoát. Thợ chế tác đá chỉ được trang bị thiết bị bảo hộ lao động ít ỏi như găng tay, khẩu trang. Anh Nguyễn Văn Tình, thợ làng đá cho biết, dù biết công việc nặng nhọc và hít bụi đá rất độc hại, nhưng vì mưu sinh vẫn phải bám nghề.

 

Ô nhiễm bụi, tiếng ồn diễn ra thường ngày ở làng nghề chế tác đá.

 

Theo lãnh đạo UBND xã An Tiến, chế tác đá vốn là nghề truyền thống của người dân địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các hộ xây dựng xưởng tự phát, mạnh ai nấy làm, đua nhau lấn hành lang Quốc lộ 10. Từ khi khôi phục nghề này tạo việc làm hơn 100 lao động. Song hoạt động tự phát của làng nghề gây ô nhiễm môi trường, khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Không chỉ ô nhiễm, hoạt động cẩu đá nguyên liệu từ các xe ô-tô tải xuống xưởng chế tác diễn ra thường xuyên, mất an toàn đối với người đi đường.

 

Sớm quy hoạch làng nghề

 

Trước phản ánh của cử tri huyện An Lão, ngày 10-9-2018, UBND thành phố có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc này. Cụ thể, UBND thành phố giao UBND huyện An Lão, UBND 2 xã Trường Thành, xã An Tiến phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố) tổ chức họp và hướng dẫn các cơ sở trên tiến hành cam kết với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất, bảo đảm khoảng cách an toàn hành lang giao thông Quốc lộ 10 và lập hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định. Đến nay, 22/33 cơ sở tại xã An Tiến và 4/20 tại xã Trường Thành cam kết bảo vệ môi trường. UBND 2 xã trên lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với những hộ chưa có hồ sơ về bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu các hộ di chuyển toàn bộ sản phẩm, vật tư vào nơi quy định, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, sử dụng bạt che toàn bộ khu vực sản xuất. Bước đầu, các cơ sở sản xuất nêu trên dùng bạt nhiều lớp để che chắn, phun nước trong quá trình sản xuất nhằm hạn chế tình trạng phát tán bụi vào không khí; bố trí thời gian sản xuất hợp lý, bảo đảm thời gian nghỉ ngơi của người dân chung quanh khu vực, không trưng bày các sản phẩm và thực hiện sản xuất trong hành lang đường bộ. UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện An Lão thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các cơ sở điêu khắc đá không chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và hành lang an toàn giao thông đường bộ. Trước yêu cầu thực tế trên, UBND huyện An Lão đang kiểm tra, rà soát vị trí phù hợp để trình UBND thành phố cho phép thành lập hội Làng nghề điêu khắc đá trên địa bàn huyện.

 

 

Theo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện An Lão, hiện nay, nghề chế tác đá ở 2 xã An Tiến và Trường Thành với tổng 53 cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, đều nằm ven Quốc lộ 10.

  

Chủ tịch UBND xã An Tiến Bùi Văn Bút cho rằng, hiện nay, UBND huyện quy hoạch 5 ha đất nông nghiệp cũng ở ven Quốc lộ 10, trên địa bàn xã An Tiến để xây dựng làng nghề. Từ đó, sẽ đưa các cơ sở chế tác đá vào hoạt động tập trung và có các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư làng nghề này cần hàng chục tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, trong khi đó, các hộ chế tác đá đều có quy mô nhỏ lẻ, không đủ sức xây dựng làng nghề. Vì vậy, rất mong thành phố quan tâm đầu tư xây dựng làng nghề chế tác đá An Lão.

 

Rõ ràng, làng nghề chế tác đá góp phần nâng cao thu nhập người dân địa phương, nhưng đang gây ô nhiễm. Để làng nghề phát triển bền vững và bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm, vấn đề đặt ra sớm có làng nghề truyền thống để người dân yên tâm sản xuất, chế tác đá và bảo vệ môi trường, cuộc sống người dân.

Bùi Hương – Báo Hải Phòng 18/10/2018

Tin khác

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Huân chương Sao Vàng

Bộ Chính trị đã có quyết định trao Huân chương Sao Vàng tặng Tổng Bí…

18/07/2024

Thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí…

18/07/2024

2 công nhân Hải Phòng được hỗ trợ xây nhà Mái ấm Công đoàn

Sáng 18.7, Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng trao kinh phí hỗ trợ xây nhà…

18/07/2024

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà các gia đình chính sách huyện Thuỷ Nguyên

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), chiều 17/7, Chủ tịch Quốc…

17/07/2024

Hiệu quả mô hình đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố trong dịp hè

Nghỉ hè là khoảng thời gian lý tưởng để phụ huynh đăng ký cho con…

17/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More