Từ giữa năm 2018, Cục Thuế Hải Phòng tăng cường các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Xác định đây là lĩnh vực khó nhưng nếu quản lý tốt sẽ mang lại nguồn thu khá lớn, Cục Thuế yêu cầu các đơn vị trực thuộc có các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, việc thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vẫn không ít gian nan.
Với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phổ biến, cần có giải pháp quản lý, tăng nguồn thu ngân sách thành phố.
Ảnh: PHƯƠNG LÂM
Hầu hết không hóa đơn
Từ vài năm nay, chị Nguyễn Thị Hoa ở quận Lê Chân, Hải Phòng rất ít ghé các cửa hàng thời trang, đồ dùng gia đình, thậm chí là cả đồ ăn thức uống… Cần gì, chỉ tra mạng internet một lúc là có hàng trăm địa chỉ khác nhau, thoải mái cho chị chọn lựa. Một vài tin nhắn miễn phí qua lại trên mạng xã hội, nhắn số điện thoại và địa chỉ là chị có thể ung dung ngồi nhà chờ người đưa hàng tới. Ban đầu, chị chỉ mua một vài thứ đơn giản. Càng ngày tỷ lệ mua bán qua mạng của gia đình chị càng từ đồng hồ, túi xách, quần áo, giày dép, mỹ phẩm các loại tới các đồ dùng gia đình, thực phẩm, trái cây nội, ngoại… Chị có thể chuyển tiền trước qua tài khoản, hoặc trả tiền qua người đưa hàng kèm phí chuyển hàng. Chị cho biết, đây đang là hình thức mua bán phổ biến. Ở cơ quan chị, số người sử dụng dịch vụ thương mại điện tử ngày càng tăng, gần như chiếm đa số. Như thế cũng có nghĩa là doanh thu của những người bán hàng qua mạng ngày càng lớn, hình thành một hình thức kinh doanh mới.
Theo Cục Thuế Hải Phòng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều tổ chức, cá nhân có hoạt động mua, bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram…; có nhiều công ty kinh doanh đặt phòng tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến như Agoda, Traveloka, Booking, Expedia… Các hình thức kinh doanh này chiếm vị trí khá lớn trong xã hội, mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ và ngày càng phát triển với quy mô lớn hơn, rộng hơn, mở rộng cả từ thành thị tới các thôn quê. Tuy nhiên, phần lớn người mua và bán đều không sử dụng hóa đơn, chứng từ.
Siết chặt quản lý
Trước diễn biến của quá trình kinh doanh thương mại, thực hiện các quy định của pháp luật thuế và chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hải Phòng có nhiều văn bản chỉ đạo tới các đơn vị, chi cục trực thuộc triển khai thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Phó cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Nguyễn Huy Nhặn cho biết, Cục chỉ đạo Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tuyên truyền thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức về việc đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Cục phối hợp với Sở Công Thương lấy danh sách người kinh doanh thương mại điện tử; giao các Phòng Kiểm tra thuế, Phòng quản lý thuế TNCN, các chi cục thuế gửi thông báo tới các tổ chức, cá nhân yêu cầu kê khai, đăng ký thuế và rà soát, đôn đốc thu thuế; bổ sung ngay vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có doanh thu lớn. Cục Thuế cũng chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng để trao đổi thông tin dữ liệu; phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp bước đầu và đang trong quá trình thực hiện nên Cục Thuế chưa tổng hợp được kết quả cụ thể. Tuy vậy, có thể nói, công tác quản lý đã đi sau rất nhiều so với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vốn có tốc độ phát triển rất nhanh theo cấp số nhân. Ngành thuế và các địa phương cần tích cực, quyệt liệt hơn để quản lý thu thuế bởi đây đang được coi là một trong những lĩnh vực gây thất thu, thất thoát thuế.
Mặc dù vậy, công tác thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo phản ánh của một số chi cục thuế, khó khăn lớn nhất hiện nay là rà soát, xác định các trường hợp cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng, chỉ có địa chỉ trên mạng và số tài khoản cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi. Việc xác định danh tính, chủ cửa hàng và địa chỉ cũng như doanh thu, lợi nhuận của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Hải Phòng hoàn toàn không dễ dàng. Đó là chưa kể tới các trường hợp chủ cửa hàng tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí ở Lào Cai, Yên Bái nhưng bán hàng trực tuyến tại Hải Phòng, có doanh thu khá lớn nhưng ngành Thuế vẫn không kiểm soát được.
Vấn đề đặt ra là kinh doanh thương mại điện tử đã trở thành xu thế tất yếu của đời sống xã hội, dù khó mấy cũng phải quản lý ngay để bảo đảm công bằng xã hội, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Dù hơi muộn nhưng Cục Thuế Hải Phòng cũng phải kiên quyết tới cùng và có các kết quả cụ thể về thu thuế qua hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, góp phần bảo đảm kỷ cương thu ngân sách và thực hiện công bằng xã hội.
Báo Hải Phòng 19/09/2018
Sáng ngày 26/12, tại thôn Hy Tái, xã Hồng Thái, huyện An Dương,TP. Hải Phòng,…
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Hồng Bàng (Hải Phòng), quận đang…
Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có hướng dẫn các doanh nghệp đăng ký…
Dự kiến, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng thưởng Tết Nguyên…
Công an huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vừa bắt giữ 1 đối tượng cướp…
So với những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 giảm 1…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More