Print Thứ Ba, 27/04/2021 11:54 Gốc

Ban Tôn giáo đang đề xuất Chính phủ sớm bổ sung Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đề xuất Bộ Nội vụ chỉ đạo xây dựng mô hình quản lý nhà nước về tín ngưỡng để tạo sự nhất quán trong quản lý.

Trong những năm gần đây, hoạt động tâm linh, tôn giáo đã phát triển đa dạng và phong phú trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội, các ấn phẩm xuất bản. Người dân có điều kiện tiếp thu kiến thức tín ngưỡng từ nhiều nguồn thông tin. Điều này giúp họ chuẩn bị hành trang cho việc tu dưỡng bản thân, sống tốt đời đẹp đạo.

Tuy nhiên, chính sự phát triển tràn lan như vậy đã khiến không ít người tự xưng là “thầy” nhằm truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh và điều này là không thể chấp nhận, cần phải loại bỏ vì một xã hội văn minh, tiến bộ, thượng tôn pháp luật.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tạo thuận lợi cho việc thực hành tín ngưỡng, tuy nhiên, từ đó cũng xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng tâm linh để trục lợi. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Cần tỉnh táo để không bị trục lợi tâm linh

Hiện nay trong xã hội, hoạt động tâm linh, tín ngưỡng phát triển rất đa dạng như bói toán, kinh doanh đồ phong thủy, bùa ngải, dâng sao giải hạn. Không khó để gia nhập những hội nhóm này trên mạng xã hội.

Cùng với sự phát triển của các hội nhóm, nhiều người có xu hướng chia sẻ những bất ổn của mình, nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã tiếp cận và trục lợi.

Tiến sỹ Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

Tiến sỹ Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội, chỉ ra thực tế là nhiều đối tượng tự xưng là “thầy”, cóp nhặt kiến thức từ các nguồn khác nhau rồi lợi dụng những người nhẹ dạ, cả tin. Nguyên nhân chính là do những người tin theo thường không tìm hiểu kiến thức, chưa biết tham khảo các nguồn tin uy tín.

Theo luật thì tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những nghi lễ gắn liền với phong tục tập quán truyền thống mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Chúng ta cần phải tín có ‘ngưỡng,’ tức là có giới hạn, quá ‘ngưỡng’ đó sẽ thành mê tín. Tín nhưng cần trang bị đầy đủ kiến thức không bị u mê thành mê tín”, ông Phạm Tiến Dũng lý giải.

Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội đưa ra lời khuyên rằng người dân cần tìm hiểu kỹ về các loại hình này qua các thông tin chính thống, những người thực hành tâm linh, tín ngưỡng có uy tín, được cộng đồng tôn vinh, ghi nhận và các tổ chức hợp pháp được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.

Để thực hành tín ngưỡng tâm linh cho đúng, người dân có thể tham khảo một số loại hình được xã hội và Nhà nước công nhận như như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), tín ngưỡng sùng bái thần linh (thổ công, thổ địa, thần tài, Táo quân…).

Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cũng sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mua đồ lễ, dâng cúng giải hạn, vô hình chung khiến cho cuộc sống khó khăn càng thêm kiệt quệ. Không chỉ thế, ở mức độ nguy hiểm hơn, đã có không ít người mắc bệnh nhưng lại tin vào thầy cúng, thầy bói mà không đến bệnh viện, dẫn đến mất mạng”, ông Dũng nói.

Những biến tướng như vậy không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nạn nhân, gây hoang mang xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp những người thực hành tâm linh, tín ngưỡng chân chính.

Đồng thầy Nguyễn Đức Hiển trong giá Ông Hoàng Mười. (Ảnh: NVCC).

Thạc sỹ, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển, Ủy viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, cho hay tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể là điều kiện rất thuận lợi cho việc thực hành tín ngưỡng, tuy nhiên từ đó cũng xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng tâm linh để trục lợi.

Đó là hệ lụy làm tổn hại hình ảnh của tín ngưỡng, bóp méo những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có những chính sách thật tốt để kiểm soát và nên chăng, cần có những lớp hướng dẫn cho những người thực hành tín ngưỡng về bản chất văn hóa của dân tộc hay những nét đẹp của văn hóa tâm linh mà người Việt Nam đã có”, thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển đề xuất.

Nhất quán trong quản lý tín ngưỡng, tôn giáo

Trước tình trạng nhiều người dân bị lừa đảo trong khi thực hành tín ngưỡng, dư luận xã hội và các chuyên gia trong ngành văn hóa, tôn giáo cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, không chỉ riêng về văn hóa, tôn giáo mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp, của toàn xã hội.

Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội cho rằng cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội, các nhà khoa học, các chuyên gia, đặc biệt là các người thực hành tâm linh, tín ngưỡng có uy tín trong cộng đồng.

Ông Phạm Tiến Dũng bày tỏ Ban Tôn giáo gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bởi hiện nay trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều cơ sở thờ tự và các đền phủ tại gia.

Nhân sự quản lý của Ban Tôn giáo còn rất thiếu so với số lượng cơ sở tín ngưỡng, thực hành tâm linh quá lớn, đa dạng nhiều loại hình. Chúng tôi đang từng bước tham mưu các cấp nhằm hoàn thiện các cơ chế quản lý, để có thể kiểm soát hiệu quả hơn. Ban tôn giáo là cơ quan cung cấp thông tin chính xác, giúp người dân tránh bị trục lợi, dẫn dắt bởi những đối tượng xấu”, ông nói.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Phạm Tiến Dũng cho hay Ban Tôn giáo đang đề xuất Chính phủ sớm bổ sung Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đề xuất Bộ Nội vụ chỉ đạo xây dựng mô hình quản lý nhà nước về tín ngưỡng để tạo sự nhất quán trong quản lý.

Riêng tín ngưỡng thờ Mẫu, chúng tôi cho rằng cần thành lập Hội hoặc Câu lạc bộ những người thực hành để dễ quản lý, đánh giá hoạt động cũng như thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, với số lượng cơ sở tín ngưỡng và lực lượng thực hành tín ngưỡng đông đảo và phức tạp như hiện nay, rất cần có sự thống kê, tổng hợp và số hóa dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng ở các cấp.

Lễ hội Đền Thái Vi ở Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN).

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển đồng tình với quan điểm rằng cần tăng cường truyền thông, đào tạo để giúp cho những người thực hành tín ngưỡng hiểu được nghi lễ, hiểu được con đường tâm linh một cách đúng đắn, tránh tin theo những người tự xưng là “thầy” trên mạng xã hội.

Chính đạo và tà đạo chỉ cách nhau một sợi chỉ. Bởi vậy, người dân thực hiện tín ngưỡng cần phải hiểu rõ bản chất của tín ngưỡng, cần tìm đến những người thầy có trí tuệ, có tâm đức và sự hiểu biết sâu rộng”, ông Hiển chia sẻ.

Mọi người nghĩ rằng đi lễ là để cầu xin về vật chất, cứ mang lễ vật đến thì điều mong muốn của mình sẽ trở thành hiện thực, nhưng không phải như vậy, mục đích đi lễ là để hiểu được đạo lý của ông cha. Hiểu được bản chất của tâm linh thì mọi người sẽ tránh được những điều mê tín dị đoan“, ông Hiển nói thêm.

Nói đến thực hành tín ngưỡng, thầy Thích Chân Pháp Khâm, Viện trưởng Viện Phật học ứng dụng châu Á, cho rằng mọi người ngày nay làm gì cũng muốn nhanh có kết quả, đó là một trong những nguyên nhân khiến đối tượng xấu trục lợi.

Chúng ta hiểu rằng mọi sự đều cần có một quá trình, thực hành tâm linh, hay đi tu đều phải tuân theo giới luật. Điều này không khiến chúng ta bị bó buộc, mà ngược lại, khiến cho ta thấy thoải mái hơn. Chẳng hạn như khi lái xe, chúng ta phải tuân thủ luật giao thông để không xảy ra tai nạn. Những điều luật đó khiến cuộc sống đi vào trật tự”, thầy giảng giải.

Thực tế, trong xã hội luôn có người tốt, người xấu, “một dòng nước trong, đôi dòng nước đục, một trăm người tục, một chục người thanh”, do đó, thầy Thích Chân Pháp Khâm đưa ra lời khuyên rằng mỗi người cần tự tỉnh táo, bảo vệ mình, chắt lọc thông tin để tự tìm thấy sự an lạc trong cuộc sống./.

Minh Thu (Vietnam+)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hoàn thiện luật, tạo sự nhất quán trong quản lý tôn giáo và tín ngưỡng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác