Dự kiến trong năm 2018, Dự án 513 – hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính (ĐGHC) và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐGHC của thành phố hoàn thành. Dự án góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt, lạc hậu hồ sơ ĐGHC trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đào Sơn: Năm 2016, UBND thành phố có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán Dự án 513 với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng. Nguồn kinh phí lấy từ nguồn thu tiền sử dụng đất, vốn sự nghiệp của thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018. Sở Nội vụ được giao là cơ quan thường trực thực hiện dự án.
Dự án gồm các hạng mục hiệp thương giải quyết các tranh chấp ĐGHC; dựng lại mốc ĐGHC bị mất; toàn bộ hồ sơ, bản đồ địa giới, mốc ĐGHC của 223 đơn vị hành chính cấp xã, 15 đơn vị hành chính cấp huyện và thành phố sẽ được chỉnh lý, bổ sung theo hướng hiện đại, hoàn thiện hơn. Thực hiện dự án, Sở Nội vụ phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật, cùng các địa phương liên quan rà soát, thống kê toàn thành phố hiện có 42 khu với 104 tuyến, tổng chiều dài trên 507 km còn tranh chấp ĐGHC. Trong đó, có 13 tuyến cấp tỉnh, 20 tuyến cấp huyện và 71 tuyến cấp xã. Đến nay, Sở chủ trì cùng các sở, ngành, UBND các cấp hoàn thành việc hiệp thương, xác định, điều chỉnh 91 mốc ĐGHC đang có tranh chấp, thiếu thống nhất giữa các quận, huyện, xã phường. Toàn bộ hệ thống mốc ĐGHC đều được kiểm tra thực địa, lập biên bản mô tả, chia đoạn hợp lý. Trên cơ sở đó, tiến hành cắm mốc giới trên thực địa. Đặc biệt, các mốc ĐGHC đều được đo tọa độ, định vị GPS. Dự kiến trong năm 2018, dự án này được hoàn thiện, góp phần khắc phục những hạn chế do sự thiếu hụt hồ sơ và mốc ĐGHC.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT), hệ thống bản đồ ĐGHC các cấp của thành phố được thành lập từ năm 1996 theo Chỉ thị 364/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Nhưng hiện nay, hồ sơ, bản đồ ĐGHC tại một số quận, huyện, xã, phường bị mối mọt, rách nát, không được lưu trữ đầy đủ. Có hàng trăm mốc ĐGHC giữa các đơn vị hành chính bị mất.
Chủ tịch UBND quận Hải An Phạm Chí Bắc cho biết: Quận Hải An được thành lập cách đây 15 năm. Nhưng nhiều năm qua, quận vẫn sử dụng hồ sơ, bản đồ ĐGHC cũ chuyển về từ huyện An Hải và quận Ngô Quyền. Trong khi đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án mở đường giao thông, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị,…được đầu tư xây dựng nên ĐGHC, hiện trạng sử dụng đất thay đổi. Cùng với đó, số phường của quận tăng từ 6 lên 8 phường nên mốc giới thay đổi nhiều. Trước đây, mốc giới giữa nhiều khu dân cư là bờ mương, bờ ruộng. Đến nay, ruộng, mương bị san lấp, tình trạng người dân lấn chiếm, làm sai lệch ĐGHC, gây khó khăn cho công tác quản lý về ĐGHC nói riêng cũng như quản lý hành chính nhà nước nói chung; trước hết là hoạt động đo đạc, lập bản đồ, giải quyết các tranh chấp đất đai… Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư công trình hàng hải Việt Nam Mai Văn Sỹ cũng đánh giá: Hiện, hệ thống mốc địa chính cơ sở, mốc toạ độ được thành lập đã lâu, số mốc đã mất hoặc bị địa hình, địa vật che khuất không sử dụng được ảnh hưởng đến công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính cơ sở.
Bởi vậy, các địa phương, các ngành đều mong mỏi trong năm 2018, dự án 513 sẽ hoàn thiện góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý ĐGHC của các cấp chính quyền.
Bảo Châu – Báo Hải Phòng 27/01/2018
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More