Print Thứ Hai, 17/02/2020 09:27 Gốc

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết (NQ) 45 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không…

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố coi đây là một trong những điểm mới trong các quan điểm và mục tiêu của NQ 45, nâng tầm vai trò, vị trí, khả năng kết nối, quy mô và trình độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố, đáp ứng yêu cầu Hải Phòng là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; là trung tâm hội nhập quốc tế.

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Thực hiện các nội dung trên của NQ 45, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể với mục tiêu phấn đấu cao. Theo đó, đến năm 2025 sẽ đầu tư xây dựng các bến số 3,4,5,6,7,8,9,10 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; hoàn thành xây dựng Nhà ga số 2 và khu vực logistics hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây dựng bến tàu khách quốc tế; hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc ven biển; xây dựng đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; cải tạo hệ thống đường thủy nội địa nối với một số địa phương Bắc bộ. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; xây dựng quân cảng Nam Đồ Sơn; đầu tư một số công trình ngầm qua sông Cấm, Lạch Tray; đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và đường sắt kết nối Cảng quốc tế Hải Phòng.

Sau năm 2030: nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Tiên Lãng; nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, trong đó có các tuyến tàu điện ngầm nội đô. Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm cũng được thành phố chỉ rõ như: nâng cấp quốc lộ 10 đoạn cầu Quán Toan- Bí Chợ; xây dựng các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương (đường và cầu Quang Thanh, cầu qua sông Hóa, cầu Dinh, cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, tuyến đường Kinh Môn- Thủy Nguyên…); tuyến đường bộ ven biển; hoàn chỉnh tuyến đường vành đai 2; xây dựng tuyến đường vành đai 3; nghiên cứu xây dựng một số đoạn tuyến đường trên cao; hoàn thành tuyến đường Đông Khê 2; làm thêm một số cầu lớn như: cầu Nguyễn Trãi, cầu Vật Cách, cầu Vũ Yên 2, cầu Hải Thành, xây dựng các bến xe mới hiện đại, các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm; nghiên cứu hầm qua đảo Vũ Yên; hầm qua kênh Hà Nam, một số hầm lớn qua sông Lạch Tray, sông Cấm; xây dựng các cảng hành khách, cảng du lịch hiện đại…

Thành phố bắt tay ngay thực hiện các công trình, dự án cụ thể từ năm 2019, khi NQ45 được ban hành. Một loạt dự án giao thông quan trọng được khởi công, được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành, với tổng nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, như: đường trục Hồ Sen- cầu Rào 2 (giai đoạn 2); cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh; nút giao thông Nam cầu Bính; tuyến đường bộ ven biển; đường 359 thuộc huyện Thủy Nguyên; cầu sông Hóa… Trong đó, một số công trình đã hoàn thành; một số đang được xây dựng với tốc độ khẩn trương. Trong năm 2020, thành phố tiếp tục đầu tư, khởi công một số công trình mới như: xây dựng lại cầu Rào 1, cầu Quang Thanh, cầu Dinh, khởi công xây dựng nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, hoàn thành tuyến đường Đông Khê 2, đường 356 ra đảo Cát Bà, đường 359…

Như vậy, Hải Phòng rất tích cực, khẩn trương, chạy đua với thời gian để hoàn thành các công trình, dự án giao thông mà NQ 45 đề ra. Tuy nhiên, để vươn tới mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, Hải Phòng cần nguồn lực rất lớn. Do đó, thành phố sẽ phải huy động nhiều nguồn lực. Trong đó, những công trình trọng điểm, chiến lược nâng tầm quốc gia, thuộc trách nhiệm của trung ương thì kiến nghị sử dụng nguồn vốn trung ương. Các công trình kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn, có ý nghĩa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội thành phố mà ngân sách địa phương chưa thể đáp ứng thì xây dựng phương án xã hội hóa để đầu tư theo các hình thức BOT, BT.

Những công trình kết cấu hạ tầng giao thông gắn với chỉnh trang đô thị, bảo đảm an toàn giao thông và liên quan trực tiếp tới đời sống người dân, nhất là khu vực ngoại thành còn khó khăn, sẽ ưu tiên nguồn lực từ ngân sách thành phố thực hiện. Ban Thường vụ Thành ủy cũng xác định rõ, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm hiệu quả cao, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài, gây lãng phí, đội vốn đầu tư… Với quan điểm và cách làm đó, chắc chắn thành phố sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu, để Hải Phòng thực sự cất cánh, xứng tầm thành phố hiện đại khu vực châu Á và thế giới.

Bài: Hồng Thanh – Ảnh: Duy Thính/Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác